Top

Cổ phiếu bất động sản Trung Quốc vẫn tiềm năng

Cập nhật 22/02/2008 15:00

So với các ngành khác, cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại Trung Quốc đã suy giảm nhiều nhất trong 4 tháng qua, khi thị trường điều chỉnh đi xuống. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư có dấu hiệu "quay lưng lại", các chuyên gia nhận định rằng, đã sắp tới giai đoạn hồi phục của cổ phiếu BĐS do các yếu tố thị trường vẫn thuận lợi.

Trái với các nhận định trên thị trường cho rằng, việc siết chặt hệ thống luật pháp quản lý thị trường BĐS và siết chặt tín dụng tại Trung Quốc sẽ kéo thị trường BĐS giảm sâu thêm, Tổ chức đánh giá uy tín Fitch Ratings Agency đưa ra nhận định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao và khả năng đồng nhân dân tệ (NDT) lên giá so với các đồng tiền trên thế giới sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy cầu BĐS ở Trung Quốc. Thêm vào đó, quỹ đất hạn hẹp, nạn đầu cơ và trì hoãn tiến độ các dự án BĐS sẽ tạo nên cơn sốt trên thị trường nhà đất.

Các chuyên gia nghiên cứu tại UBS có vẻ "dè chừng" hơn một chút khi cho rằng, thị trường chưa thể hồi phục trong ngắn hạn do yếu tố bất lợi về vĩ mô, nhưng sẽ hồi phục từ giữa năm nay. Còn các chuyên gia tại Credit Suisse thậm chí còn lạc quan hơn khi cho rằng, nhu cầu nhà đất sẽ tăng ngay từ đầu năm khiến giá nhà đất tăng trong thực tế, qua đó tác động tích cực tới giá cổ phiếu ngành BĐS trên TTCK.

Về tổng thể, các chuyên gia phân tích đều có chung nhận định rằng, các công ty BĐS ở phía Bắc Trung Quốc có lợi thế hơn các công ty ở phía Nam, do có tỷ lệ tăng giá thấp hơn. William Leung, chuyên gia của RREEF, công ty quản lý quỹ trực thuộc Deutsche Bank nhận định rằng, công ty BĐS có dự án tại thành phố nhỏ sẽ có lợi thế hơn do dự án tại thành phố lớn sẽ chịu sự quản lý về giá BĐS chặt chẽ hơn.

"Các số liệu thống kê gần nhất cho thấy, giá BĐS tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, Hàng Châu và Trùng Khánh vẫn tăng nhanh hơn nhiều so với các thành phố khác. Nhiều khả năng, Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp bình ổn giá trong thời gian tới, dẫn tới sụt giảm cả về giá và lượng giao dịch", một chuyên gia UBS nhận định.

Trong báo cáo mới nhất của mình về thị trường BĐS, UBS dự đoán, giá BĐS tại Hàng Châu sẽ giảm 10% trong quý I/2008 do các biện pháp thắt chặt kiểm soát về giá của Chính phủ, trong khi mức tăng giá BĐS tại Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ chậm lại, còn 5% trong năm 2008. Năm 2007, giá BĐS tại Bắc Kinh tăng 17%, còn tại Thượng Hải là 9%.

Với thông tin thị trường theo hướng bất lợi, trong vài tháng vừa qua, cổ phiếu các công ty thuộc ngành BĐS đã điều chỉnh giảm khá sâu và theo các chuyên gia, đây là thời điểm đầu tư thích hợp.

"Với sự điều chỉnh trong những tháng gần đây, tỷ lệ P/E trung bình của cổ phiếu ngành BĐS Trung Quốc đang ở khoảng 15, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường trong khu vực, trong khi tiềm năng tăng trưởng đạt khoảng 40% trong giai đoạn 2006 - 2009", Andy So, chuyên gia nghiên cứu BĐS tại Công ty Chứng khoán BNP Paribas châu Á nhận định.

Ông này cũng nhận định rằng, trong ngắn hạn, có thể giá cổ phiếu vẫn còn phụ thuộc vào các yếu tố như giá BĐS, chính sách điều tiết vĩ mô của Chính phủ với thị trường BĐS nhưng "có lẽ giai đoạn tồi tệ với thị trường BĐS đã qua".

Thực tế, trong những phiên giao dịch gần đây, các cổ phiếu ngành BĐS đã có mức tăng nhất định, nhưng xu hướng tăng vẫn chưa rõ rệt khi vẫn còn đan xen những phiên giảm điểm. Sáu phiên giao dịch gần đây, Shimao Property Holdings tăng 19%, Agile Property Holdings tăng 15,5%, Guangzhou R&F Properties tăng 8,9%, Country Garden Holdings tăng 5,3% và Greentown China Holdings tăng 7%.

Những thông tin tốt từ sàn giao dịch đã có tác động tích cực tới một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS khi có sự "tự tin" hơn với kế hoạch IPO của mình. Evergrande Real Estate Group và Central China Real Estate Group đặt mục tiêu niêm yết thành công ngay trong quý I/2008, trong khi Changsheng Properties cũng khởi động lại kế hoạch niêm yết sau khi tạm dừng vào giữa tháng 1/2008 do lo ngại thị trường sụt giảm.

Theo nhiều chuyên gia, với xu hướng thị trường tích cực hiện nay, các cuộc IPO có khả năng thành công, tác động tích cực tới thị trường BĐS. Về vĩ mô, cho dù các yếu tố cơ bản nhất ảnh hưởng tới thị trường BĐS vẫn là tích cực, nhưng khả năng thắt chặt kiểm soát thị trường BĐS cũng như thắt chặt chính sách tiền tệ của Chính phủ Trung Quốc cũng là những yếu tố đáng lưu tâm và như vậy có thể kết luận rằng, thị trường BĐS vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng con đường phía trước sẽ không bằng phẳng.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán