Top

Bất động sản Triều Tiên tăng vọt dưới thời Kim Jong-un

Cập nhật 08/05/2015 10:56

The Australian ngày 8/5 đưa tin, giá bất động sản ở Bình Nhưỡng đã tăng hơn 30 lần trong thế kỷ này với những ngôi nhà đắt nhất được chuyển nhượng với giá 250 ngàn USD, mức giá đáng kể ở quốc gia mà quyền sở hữu tư nhân vẫn là bất hợp pháp, trong khi mức lương chính thức ít hơn 2 USD một tháng.

Thị trường giao dịch ngầm bất động sản ở Bình Nhưỡng đang phát triển. Ảnh: The Australian/Getty.

15 năm đã trôi qua khi nhà nước Triều Tiên bắt đầu cho phép mua bán quy mô nhỏ với các mặt hàng thực phẩm và đồ gia dụng như một ngoại lệ đối với nền kinh tế tập trung bao cấp nghiêm ngặt. Cố Chủ tịch Kim Jong-il đã rất thận trọng với hoạt động kinh tế thị trường tự do vì ông sợ rằng niềm đam mê tiền bạc sẽ làm xói mòn lòng trung thành với gia đình mình.

Một lớp doanh nhân mới có thể lật đổ bộ máy chính quyền tại quốc gia này chỉ trong một ngày. Nhưng dưới thời ông Kim Jong-un cầm quyền, Bình Nhưỡng đang hình thành các doanh nhân, các nhà đầu cơ và một thị trường bất động sản tăng vọt. Nhà hàng được mở, các căn hộ cao cấp đang mọc lên và những người mới phất có xe hơi, quần áo hàng hiệu và nước hoa đắt tiền.

Andrei Lankov, chuyên gia về Bắc Triều Tiên từ đại học Kookmin ở Seoul bình luận: "Kim Jong-un không có lựa chọn nào khác. Ông ấy giống như đang đứng trên tầng 4 của căn nhà đang bốc cháy. Nếu nhảy xuống có thể chết, nhưng không nhảy chắc chắn sẽ chết".

Lớp doanh nhân mới đang xuất hiện công khai, một số là những người giàu lên từ việc mua bán thực phẩm và đồ gia dụng. Một số khác là quan chức phụ trách các doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả và vận hành như doanh nghiệp tư nhân.

"Nếu bạn là một người Bắc Triều Tiên có tiền, bạn không có nhiều lựa chọn để nhân lên số tiền mình có. Các ngân hàng không trả lãi, nên cách duy nhất để tích lũy vốn là mua bất động sản", Lankov nói.

Ở Triều Tiên, tất cả tài sản chính thức thuộc sở hữu nhà nước, mua bán bất động sản phải được thực hiện bằng cách "trao đổi" ngôi nhà hoặc được đền bù bằng USD. Trong 10 năm qua, tủ lạnh là biểu tượng của những người giàu có ở Triều Tiên, trong khi máy tính chỉ được trang bị cho những người (nhà nước) tin cậy nhất.

Lankov cho rằng "mặt hàng" phổ biến khác ở Bắc Triều Tiên là "tình nhân". "Quốc gia này đang trở nên giống như phần còn lại của Đông Nam Á, nơi mỗi người đàn ông thành đạt phải có vài ba cô bồ xinh đẹp", học giả này nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Giáo dục Việt Nam