Top

11 triệu căn nhà bỏ hoang ở Châu Âu

Cập nhật 03/03/2014 10:37

Theo số liệu tổng hợp của tờ Guardian (Anh), hiện có hơn 11 triệu ngôi nhà bị bỏ không ở khắp Châu Âu, đủ để hai lần toàn bộ số người vô gia cư ở châu lục này sinh sống.

Dự án nhà bị bỏ hoang ở Keshcarrigan, County Leitrim, Ireland.

Riêng ở Tây Ban Nha có khoảng 3,4 triệu căn bỏ trống, Pháp và Ý mỗi nước có 2 triệu, 1,8 triệu ở Đức và hơn 700.000 ở Anh. Ngoài ra, tại Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và một số nước khác đều có nhà bỏ trống. Trong số này, phần lớn là các khu nghỉ dưỡng rộng được xây dựng trong thời kỳ bùng nổ bất động sản trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Hầu hết người ta mua để đầu tư và chủ nhân chúng chưa bao giờ có ý định mua để ở. Hàng trăm nghìn căn xây thô đã bị san phẳng nhằm vực dậy giá bất động sản hiện tại.

Các nhà vận động cho biết, số lượng đáng kinh ngạc của nhà hoang là “sự phí phạm kinh khủng”, trong khi hàng triệu người nghèo không có nơi trú ngụ. Hiện Châu Âu có khoảng 4,1 triệu người vô gia cư.

Ông Freek Spinnewijin - người đứng đầu tổ chức Feantsa về người vô gia cư - nói rằng, việc nhiều nhà bị bỏ hoang là một vụ scandal gây xôn xao dư luận. Chỉ cần một nửa số đó cũng đủ để chấm dứt tình trạng vô gia cư. Các chính phủ cần phải hành động để đưa những căn nhà bỏ hoang này vào thị trường.

Tháng trước, các nghị sĩ Châu Âu đã thông qua nghị quyết yêu cầu Ủy ban Châu Âu phát triển chiến lược nhanh chóng giải quyết tình trạng vô gia cư, với 349 phiếu thuận, 45 phiếu chống. Ông Gavin Smart - Giám đốc chính sách tại Viện Nhà ở của Anh - nói rằng, nhiều nhà bỏ trống có thể rơi vào cảnh hoang phế, song những nhà khác có thể dễ dàng đưa trở lại thị trường. Ông Smart cho hay, một vấn đề nữa là những nhà đầu tư giàu có mua bất động sản với hy vọng giá sẽ tăng cao để kiếm lời. Giá bất động sản ở London hơn 17.000USD/m2, đã cao hơn giá đỉnh điểm năm 2007 là 27%.

Hầu hết số nhà bỏ không ở Châu Âu nằm tại Tây Ban Nha - nơi bùng nổ xây dựng từ giữa những năm 2000, chủ yếu do người Anh và Đức đầu tư. Theo kết quả thống kê mới nhất của Tây Ban Nha vào năm ngoái, hơn 3,4 triệu ngôi nhà - chiếm 14% toàn bộ bất động sản - bị bỏ không, tăng 10% trong 10 năm qua.

Chính phủ Tây Ban Nha ước tính, khoảng 500.000 căn hộ xây thô khác cũng bị các công ty xây dựng bỏ hoang trên khắp đất nước. Trong thời kỳ bùng nổ bất động sản, giá bất động sản ở nước này đã tăng 44% từ 2004-2008. Ở một số khu nghỉ dưỡng, 5 năm sau thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính, hơn 1/3 số bất động sản vẫn bị bỏ hoang, trong đó có khoảng 20.000 căn ở Torre-Pacheco - khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nằm giữa Murcia và biển.

Vào thời kỳ hoàng kim, người ta không tiếc tiền đầu tư vào đây xây những khu nghỉ dưỡng, sân golf sang trọng, trong đó có cả tổ hợp 2.648 căn hộ của dự án mang tên Polaris World. Hiện, chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng này đang cố gắng bán tháo từng căn với giá khoảng 140.000USD, bằng một nửa so với giá gốc.

Nhiều bất động sản ở Tây Ban Nha đã bị các ngân hàng tịch thu sau khi chủ sở hữu không trả được các khoản vay thế chấp. Bà Maria Jose Aldanas - thuộc Hiệp hội Nhà ở Tây Ban Nha Provivienda - nói rằng, Tây Ban Nha đang trải qua tình trạng có quá nhiều người không có nhà và có quá nhiều nhà không có người ở. Một số hội đồng thành phố ở Catalonia khuyến cáo các ngân hàng sẽ bị phạt tới 140.000USD nếu những bất động sản mà họ tịch thu vẫn để không trong hơn 2 năm. Hội đồng thành phố Terrasa - phía bắc Barcelona - có văn bản gửi các ngân hàng nắm giữ hơn 5.000 căn nhà, yêu cầu họ làm mọi cách để tìm người thuê hoặc giao chúng lại cho hội đồng thành phố để sử dụng làm nhà ở xã hội.

Ở Pháp, thống kê mới nhất cho thấy có 2,4 triệu căn nhà trống trong năm 2012, tăng so với 2 triệu căn trong năm 2009. Ở Ý, con số này trong năm 2011 là 2,7 triệu căn, năm 2012 là 2 triệu căn. Chính phủ Ireland đã phá hủy 40 khu nhà ở bỏ không được xây trong thời bùng nổ bất động sản. Nước này cũng đang đau đầu đối phó với hơn 1.300 dự án khác chưa hoàn thành. Ngân hàng Deutsche Bank cảnh báo, Ireland sẽ mất 43 năm để sử dụng hết số nhà ở bỏ không với tốc độ tăng trưởng dân số thấp như hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động