Top

Một thoáng New York

Cập nhật 22/02/2008 09:56

Tôi đến New York vào những ngày tháng 4, đúng mùa hoa nở và cây cối đâm chồi nảy lộc. Có thể những bông hoa trắng nhỏ li ti trên các hàng cây đã làm dịu đi cái cảm giác choáng ngợp của một trung tâm kinh tế, tài chính thế giới - thành phố của những cao ốc chọc trời, kết tụ những tinh hoa công nghệ tiên tiến và sự năng động bùng nổ của con người.


Du khách lần đầu tới New York ngắm nhìn Manhattan (quận trung tâm và lớn nhất của thành phố) từ trên cao có chung cảm giác đường phố quá hẹp và dường như thành phố không có cây xanh. Thực ra có đi bộ vào trong lòng nó mới biết rằng các đại lộ, các đường phố Manhattan không hề nhỏ hơn so với các thành phố khác.

Cảm giác chật hẹp là do các nhà hai bên đường quá cao (phổ biến là 40 – 60 tầng). Nhiều đường phố quanh năm không có ánh nắng, khi chụp ảnh tác giả luôn phải quay dọc ống kính vì không thể quay ngang lấy toàn cảnh.



Công viên cây xanh xen lẫn với các tòa nhà
chọc trời, giảm bớt cảm giác "bêtông hóa".


Cảm nhận về kiến trúc New York, có thể nói bao trùm lên tất cả đó là tính thực dụng và tính năng động của người Mỹ.

Từ quy hoạch...

Tính thực dụng được loát lên ngay từ tổ chức quy hoạch kiến trúc. New York được phân chia rạch ròi: Khu trung tâm chỉ dành cho các trụ sở, cao ốc văn phòng. Nơi đây đất đai được tận dụng từng cm vuông, độ cao không khống chế.

Người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng chục nhà thờ với kiến trúc Gothique tinh xảo, có lịch sử hơn trăm năm thì giờ đây bị vây chặt ba phía bởi cao ốc văn phòng với kiến trúc nhôm kính hiện đại, hệt như dãy nhà ống liền kề ở Hà Nội. Không nghe ai thắc mắc về sự hài hòa giữa hai thể loại công trình, và cũng chẳng có ý kiến gì về mật độ xây dựng, độ cao khống chế!


Trừ một vài cao ốc chung cư được xây từ trước, kề bên khu trung tâm, với giá thuê nhà cắt cổ (một căn hộ khoảng 50 mét vuông, chỉ một buồng ngủ, có giá thuê 2.500 USD/tháng), còn lại khu nhà ở được bố trí ở ngoại biên thành phố. Khu nhà ở thấp tầng gồm các biệt thự vườn sang trọng, khu công viên cây xanh rộng hàng trăm ha… tất cả được quy hoạch rõ ràng, thỏa mãn yêu cầu sử dụng đất đai một cách hiệu quả nhất.

Tính thực dụng còn được thể hiện trong quy hoạch kiểu ô vuông bàn cờ của Manhattan với khoảng 10 đại lộ là các trục dọc và hơn 200 đường phố là các trục ngang. Các đại lộ và các đường phố được đánh số thứ tự tăng dần (trừ một vài đại lộ có tên cũ từ trước). Như vậy, muốn tìm bất cứ địa chỉ nào, chỉ cần cho biết 2 con số “tọa độ” dọc và ngang.

Người Mỹ nổi tiếng với tính năng động - kiến trúc Mỹ cũng vậy, biến đổi đến chóng mặt. Cái mới chưa đủ thời gian để khẳng định mình thì đã “ngả màu” trở thành quá khứ nhường chỗ cho cái mới hơn. Chính vì vậy mà đi trên đường phố trung tâm NewYork, ta không lạ khi bắt gặp rất nhiều nhà với phong cách kiến trúc khác nhau, đứng chen vai thích cánh tạo nên một bức tranh đô thị rất đặc trưng.



Mỗi người dân ở New York đều có trách
nhiệm chăm sóc cây cỏ trước ngôi nhà của mình.


Tòa nhà cao nhất thế giới vào những năm đầu thế kỷ 20 – Empire State Building hay bóng hình của Chrysler Building tráng lệ một thời, nay chìm lẫn trong muôn vàn cao ốc hiện đại. Bảo tàng Guggeinheim của F. L. Wright cũng mau chóng nhường chỗ cho các thế hệ đàn em.

Năm 2003, người ta khánh thành tòa nhà Tim Warner Building ở Columbus Circle (KTS David Childs thuộc S.O.M.) nguy nga tráng lệ ôm lấy quảng trường Colombus, thì năm 2006 tòa nhà Heart Corporation tại 300 West 57th St (KTS Norman Foster) lại thu hút sự quan tâm của dân chúng với kiến trúc tân kỳ khỏe khoắn - dù bị ép sát bởi các cao ốc khác, song nó vẫn vươn lên chiếm lĩnh không gian, khẳng định vị trí tiên phong.

Và gần đây hơn, năm 2007, tòa nhà Interactive Corporation ở 555 West 18th St (KTS Frank.Gehry) lại khẳng định một phong cách kiến trúc lãng mạn, say đắm lòng người.

Trên mảnh đất trước đây ngự trị tòa tháp đôi WTC là “nạn nhân” của vụ khủng bố 11 - 9 - 2001, nay đang chuẩn bị cho ra đời tòa nhà mới hùng vĩ hơn… Tất cả như một dòng chảy liên tục hối hả khiến ta có cảm giác đây là mảnh đất của sự sáng tạo năng động, là nơi con người thể hiện uy quyền và sức mạnh của mình.

…đến quản lý

Có nhiều điều để nói về cây xanh ở New York - dù cho vào tiết tháng 4 hương hoa thơm dịu gặp gió lan tỏa khắp thành phố, khiến không ít du khách và ngay cả một số người dân New York mắc chứng “dị ứng phấn hoa” gây nhức mắt và đau họng.



Khu nhà biệt thự ở New York.


Biết thân phận không thể đua chen về chiều cao với các cao ốc, cỏ hoa và cây xanh trên hè phố New York đã phát huy thế mạnh của mình ở sự tinh tế duyên dáng và không kém phần rực rỡ sắc màu, tạo nên sự hài hòa dễ chịu với công trình kiến trúc.

Đất New York cực đắt, mật độ xây dựng rất cao, không có nhiều đất dành cho cây xanh tại khu trung tâm nên người ta đã tận dụng triệt để mọi nơi, mọi chỗ, mọi khả năng để hiện diện cỏ hoa. Một khoảng lùi hiếm hoi của một tòa nhà trên phố ngay lập tức được sử dụng làm chỗ nghỉ trang điểm những đóa tulip rực rỡ.

Một mảnh đất nhỏ dưới chân cao ốc chung cư được biến thành vườn chung cho người ở cũng như khách qua đường. Giải phân cách trên Park Avenue khiến người ta lầm tưởng là công viên. Dưới chân các gốc cây nhỏ cũng được chăm tỉa với muôn vàn loài hoa sặc sỡ khác nhau…

Tôi thầm thán phục tài năng quản lý đô thị ở New York và tìm hiểu thì mới phát hiện ra rằng biện pháp khá đơn giản – ngoài ý thức văn hóa và nhận thức pháp luật cao của từng người dân, còn có biện pháp chế tài: Người dân sống ở ngôi nhà nào (chung cư hay biệt thự) cũng phải có trách nhiệm chăm sóc làm đẹp cho cây cỏ trước ngôi nhà của mình.

Vào mùa đông phải dọn tuyết; nếu có ai qua cửa nhà mình bị ngã do trơn trượt thì chủ nhà phải bồi hoàn chạy chữa. Vào mùa hè phải chăm sóc cây cỏ lúc nào cũng xanh tươi đẹp đẽ; nếu để dơ bẩn, công ty dịch vụ của thành phố sẽ đến “làm thay” và lập tức báo trừ vào tài khoản chủ nhà với giá cắt cổ, cộng thêm tiền phạt làm ô nhiễm môi trường …



Nơi trước đây là tòa tháp đôi,
nay chuẩn bị có thêm tòa nhà mới.


Một thoáng New York, một khoảnh khắc trong cuộc đời cũng đủ đọng lại trong tôi những cảm nhận, ấn tượng tốt đẹp và đôi chút chạnh lòng khi trở về đối mặt với những bức xúc bộn bề của các thành phố đất Việt.

Theo KT Nhà Đẹp

SanRemo - thành phố hoa

Cập nhật: 20/02/2008 10:04

San Remo - thủ phủ của vùng bờ biển hoa thuộc nước Ý xinh đẹp là nơi tôi nghỉ suốt trong chuyến ngao du tới vùng biển này. Nằm bên bờ biển Địa Trung ...

Thu Hà Nội

Cập nhật: 15/02/2008 08:21

Bất kì người nào đã từng có dịp đến Hà Nội vào mùa Thu cũng đều bỡ ngỡ trước cái đẹp 'rung động lòng người' ở nơi này. Hà Nội vào Thu như...

Triết lý từ cây

Cập nhật: 13/02/2008 08:22

'Trăm năm trong cuộc bể dâu Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào' (Nguyễn Trãi). Một nghịch lý có thật: ở quê người ta làm việc cật lực để có tiền ra ...

Nhớ mái nhà quê

Cập nhật: 30/01/2008 12:50

Tìm về những mái nhà quê để cảm nhận một cuộc sống thật bình dị nhưng không thiếu nét lãng mạn: “Sáng trăng sáng cả vườn chè. Một gian nhà nhỏ đi ...

Hồn Huế trong nhà rường

Cập nhật: 01/02/2008 09:51

Ẩn mình sau những ngôi nhà phố với nhiều kiểu kiến trúc lai tạp là một khu vườn cũ nhà xưa mà chỉ mới bước qua vòm cổng đã thấy nao lòng...