Top

Dừng xuất khẩu cát theo lộ trình

Cập nhật 26/11/2009 15:10

Ảnh minh họa (Internet)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan giải quyết ngay các thủ tục xuất khẩu cát không phải là cát xây dựng (cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc) theo hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát nhiễm mặn từ 1/7/2010.

Đối với các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch sông, cửa sông, cảng sông giáp biển tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày 16/11/2009 được tiếp tục thực hiện đến ngày 30/6/2010. Điều đó cho thấy Chính phủ đã vạch ra lộ trình rõ ràng: Từ 1/7/2010 cấm triệt để hoạt động xuất khẩu cát nhiễm mặn.

Đây là quyết định kịp thời và hợp lý bởi đã xác định một lộ trình rõ ràng trong hoạt động quản lý xuất khẩu cát, cùng lúc bảo đảm hai mục tiêu: Quản lý nguồn tài nguyên quốc gia và đồng thời giải quyết việc thông quan cho các DN đang gặp vướng mắc về thông quan đối với các hợp đồng xuất khẩu dở dang mặt hàng cát mặn.

Các DN đang có hợp đồng xuất khẩu dở dang thực sự gỡ được “nút thắt” lớn trong hoạt động của họ, nhưng về lâu dài, câu trả lời của Chính phủ đã hết sức minh bạch, rằng nguồn tài nguyên quốc gia là không thể xuất khẩu mà chỉ để phục vụ nền công nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Lộ trình 7/2010 được chỉ ra với khoảng thời gian vừa đủ để giúp các DN hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu dở dang cũng được cho là hợp lý.

Với mặt hàng cát xây dựng nói riêng, thực tế, từ tháng 10/2008, trước tình trạng báo động về lượng cát, sỏi xuất khẩu từ đầu năm đến nay, căn cứ vào kiến nghị của các Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng về tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu cát tại khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng, cát vật liệu san lấp ở khu vực ĐBSCL, kể cả việc xuất khẩu đối với các hợp đồng đã ký trước ngày 30/11/2008 theo Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 2/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, coi đó như những biện pháp thích hợp để quản lý tốt nguồn tài nguyên này.

Quyết định này đã được chính quyền, người dân và DN nhiều địa phương vùng ĐBSCL rất đồng tình và cho rằng đó là một trong những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bởi đây là nguồn cát phục vụ ngành công nghiệp VLXD. Tuy nhiên, tháng 5/2009, khi Chính phủ Campuchia cũng ban hành quyết định cấm xuất khẩu cát thì nguồn cát trở nên khan hiếm và giá cát có phần tăng, nhiều DN gặp khó khăn với các hợp đồng xây dựng khi giá thành cát bị đội lên gấp 1,5 - 2 lần. Nguồn cung thiếu khiến giá cát tăng lên, các DN tranh mua càng đẩy giá cát tăng thêm khiến giá cát xuất khẩu (vẫn thường dùng để đúc bê tông) tăng đến 150 nghìn đ/m3.

Cũng do nguồn cung thiếu, một số địa phương nghiêm cấm việc vận chuyển cát ra khỏi địa bàn, chỉ cho khai thác cát xây dựng phục vụ các công trình tại tỉnh. Điều này tuy hợp lý nhưng với tình hình như vậy giá cát xây dựng có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới… Đó là một thực tế chúng ta phải chấp nhận khi cùng lúc phải thực hiện 2 mục tiêu: Xây dựng đất nước và phát triển bền vững - điều này cũng đúng với quy luật mà các nước phát triển đi trước chúng ta đã áp dụng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với các mặt hàng là tài nguyên cơ bản phục vụ các ngành công nghiệp quốc kế dân sinh.

Ai cũng biết thị trường xuất khẩu mà nhiều DN đang nhắm đến là Singapore, do cát xây dựng tại đây rất khan hiếm. Một số quốc gia khác còn nhập khẩu cát để san lấp và xây dựng các hòn đảo nhân tạo phát triển ngành công nghiệp du lịch. Một số nước có nền công nghiệp phát triển lại nhập khẩu cát trắng silic để sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như thủy tinh, pha lê, linh kiện máy… Được biết, hiện tại Việt Nam, những mỏ cát quý có thể đáp ứng các yêu cầu của các đối tác “kỹ tính” như vậy không nhiều, và đó thực sự là một nguồn tài nguyên quý giá, không thể xuất khẩu một cách rẻ rúng, ồ ạt, thậm chí là không thể dùng để xuất khẩu mà phải hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững lâu dài cho ngành công nghiệp nước nhà.

Ông Hoàng Đức Hưng - Tổng giám đốc VIGLACERA Vân Hải, nơi có mỏ cát trắng nổi tiếng ở huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) cho hay: Trữ lượng cát trắng ngày một khan hiếm, đáp ứng cho các DN sản xuất kính và thủy tinh cao cấp trong nước cũng phải tính toán, nên từ rất lâu rồi Cty không đáp trả bất cứ một hợp đồng xuất khẩu nào.

Cũng từ thực tế đó, thấy nổi lên vấn đề mới: Khi nguồn cung trong nước khó khăn, việc xuất khẩu cát nội địa từ 7/2010 đương nhiên là chấm dứt, nhưng không ít các Cty thương mại đặt một câu hỏi khó: Từ tháng 7/2010, trường hợp không cho xuất khẩu cát khai thác từ trong nước thì DN có được mua cát từ các nước khác (và thông qua Việt Nam) để xuất khẩu không? Câu hỏi xem ra bình thường nhưng ngẫm kỹ lại không hề bình thường! Rõ ràng, cát đang dần trở thành một mặt hàng quý, do không thể tái tạo, do trữ lượng có hạn, do cầu lớn hơn cung.

Và như vậy, nếu không quản lý chặt chẽ nhất định sẽ nảy sinh nhiều hành vi cố tình vi phạm quy định của Chính phủ, hoặc lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để khai thác nguồn tài nguyên quốc gia dưới chiêu bài “tạm nhập - tái xuất”. Đó là những tình huống cần lường trước để các cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra các công cụ và biện pháp quản lý hữu hiệu nguồn tài nguyên cát theo quy định của Chính phủ.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng