Top

Thị trường vật liệu xây dựng cuối năm:

Sản phẩm trang trí lên ngôi

Cập nhật 26/11/2009 13:55

Nhu cầu hoàn thiện nhà khiến các sản phẩm trang trí đắt hàng hơn trong khi thị trường VLXD nói chung khá trầm lắng

Có vẻ khác khá xa so với các mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) khác, vào thời điểm này thị trường trang trí nội thất lại sôi động hơn hẳn. Theo bà Phan Thị Mỹ Linh - Ủy viên HĐQT TCT VLXD số 1, thông thường vào cuối năm các công trình xây dựng, xây nhà cá nhân đều rơi vào thời điểm gấp rút hoàn thiện, việc thị trường VLXD trang trí sôi động là không mấy ngạc nhiên.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái đang có chiều hướng giảm và giá các loại VLXD năm nay đang ở mức thấp nên chủ đầu tư đều có tâm lý là tranh thủ mua để hoàn thiện những phần còn dở dang của công trình. Nhưng cũng theo bà Linh, các sản phẩm trang trí vào dịp này vẫn tập trung nhiều ở các công trình đơn lẻ, nhà dân... Nhu cầu của các loại sản phẩm này tiếp tục tăng vào dịp cuối năm. Nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành này vào thời điểm cuối năm mức độ tiêu thụ của các sản phẩm, gạch ngói trang trí tăng từ 30 đến 50% tùy theo loại.

Thị trường cũng được phân chia theo hai loại cao cấp và bình dân, giá của các mặt hàng này cũng tăng theo. Theo ông Lưu Ngọc Thanh, GĐ Cty CP gạch ngói Mỹ Xuân, hiện tại DN có đến trên 35 loại gạch ngói trang trí và ngói màu khác nhau. Đến nay, các loại sản phẩm này được tiêu thụ tăng khoảng 50% so với cùng thời điểm năm 2008, giá cũng tăng theo khoảng 12 đến 15% so với trước đó. Không chỉ các mặt hàng trang trí, sản phẩm gạch nung cũng tăng khoảng 15%. Thị trường tập trung chủ yếu ở TP HCM, Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ.

Các loại mặt hàng như gạch lát nền, đá granit nhu cầu thị trường cũng đều tăng từ 15 đến 20% so với thời điểm trước đó. Nhân dịp này, các DN sản xuất trong nước đang tích cực tung ra thị trường những mẫu sản phẩm mới như gạch lát nền của Đồng Tâm với bộ siêu tập Nữ Hoàng, gạch cầu thang; Gạch Thanh Thanh tập trung cho sản phẩm gạch lát nền truyền thống; Viglacera với mẫu mã gạch mặt bóng 60 x 60 cm... Đây cũng chính là những sản phẩm đang được thị trường rất ưa chuộng.

Thực tế, ngay sau thời điểm thị trường có dấu hiệu trầm lắng bởi sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu thì ngoài việc tập trung củng cố thị trường thì nhiều DN đã điều tiết việc sản xuất theo thị trường thì đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ mới. Theo đánh giá của nhiều DN thì đây chính là cơ hội trong khủng hoảng và DN có thời gian để tự củng cố lại mình.

Ngay từ cuối năm 2008 Cty CP gạch ngói gốm Mỹ Xuân (Cty Mỹ Xuân) đã lập ra kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí nguyên liệu sản xuất. Trong đó, vào thời điểm giữa tháng 6/2009 Cty này đã đưa vào hoạt động công nghệ phun đốt than siêu mịn của Italia vào việc nung gạch, ngói màu trang trí chất lượng cao thay cho công sử dụng dầu trước đó. Tổng mức đầu tư của công nghệ này 4 tỷ đồng. Theo tính toán ban đầu việc đưa công nghệ phun than vào sử dụng mỗi năm sẽ tiết kiệm cho Cty từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nâng cao được chất lượng sản phẩm gạch, ngói nung của Cty. Mới đây nhất, giữa tháng 11/2009 Cty Mỹ Xuân tiếp tục đưa vào chạy thử nghiệm công nghệ nhà ủ đất dành riêng cho những sản phẩm ngói màu trang trí với mức đầu tư khoảng trên 5 tỷ đồng.

Mới đây Cty CP Thạch Bàn cũng chính thức đưa công nghệ sản xuất gạch ngói nung bằng công nghệ bán dẻo áp dụng rộng rãi trong các dây chuyền sản xuất của mình. Công nghệ này được đánh giá rất cao và nhằm thay công ép dẻo thủ công truyền thống. Theo đó, công nghệ bán dẻo sẽ không dùng đất sét ruộng mà sử dụng nguyên liệu gồm: các loại đất đồi, đất bóc thải loại ở các mỏ, bìa than, than xít, xỉ lò nung, gạch ngói phế liệu, kể cả các chất thải rắn do phá dỡ nhà cửa, tường xây, ngói lợp... Ngay cả gạch ngói phế liệu, xỉ lò sau khi nung cũng được nghiền nhỏ và đưa quay trở lại vào dây chuyền nguyên liệu.

Ông Lưu Ngọc Thanh - GĐ Cty Mỹ Xuân cho biết: “Việc DN đầu tư, ngoài nâng cao về chất lượng sản phẩm thì điều quan trọng nhất là sau đợt khủng hoảng kinh tế này sẽ có rất nhiều DN gặp khó khăn về sản xuất, thậm chí nhiều DN phải ngưng sản xuất vì không tiêu thụ được sản phẩm nên ngay sau khi vượt qua cơn khủng hoảng, nhu cầu của thị trường tăng cao thì DN chuẩn bị tốt về dây chuyền công nghệ chính là cơ hội đón đầu thị trường”.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp