Top

Phát triển nhà ở xã hội:

“Xếp chỗ” nhiều, làm chưa bao nhiêu

Cập nhật 20/02/2010 11:30


Tốc độ xây dựng nhà ở xã hội vẫn đang ở mức thấp
Các doanh nghiệp ồ ạt đăng ký xin xây dựng nhà ở xã hội trong suốt 1 năm qua đã đẩy số dự án lên tới con số kỷ lục trên 520 dự án. Thế nhưng, số dự án thực tế đã được khởi công mới chỉ dừng ở con số 55. Chính vì thế, người ta bắt đầu lo ngại về “làn sóng” đăng ký lấy được để “ôm” dự án lại dấy lên cùng nhu cầu phát triển nhà ở xã hội.

Đăng ký 10, khởi công 1

Để làm “dịu” cơn khát nhà ở các đô thị lớn, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và phát triển thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), sau khi Nhà nước ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chỉ trong hơn 1 năm trở lại đây, cả nước đã có tới 263 dự án nhà ở thu nhập thấp đăng ký triển khai, với tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỷ đồng, tương đương số căn hộ dự kiến 205.380 căn. Trong đó, vốn đối ứng của địa phương khoảng 2.958 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 69.752 tỷ đồng...

Ngoài ra, còn có 264 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 59.245 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 5.455 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 53.790 tỷ đồng...

Tính toán của Bộ Xây dựng đưa ra những con số cực kỳ hấp dẫn. Theo đó, một căn hộ nhà ở xã hội diện tích 50m2 chỉ có mức giá bán bình quân từ 300 - 500 triệu đồng. Nếu thực hiện hình thức thuê mua (trả trước 20%) trong 20 năm, hàng tháng, người mua chỉ phải trả khoảng 2 triệu đồng cho 1 căn hộ (4 người). Do đó, mức giá này phù hợp với khả năng chi trả đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, với mức thu nhập bình quân khoảng dưới 2 triệu đồng/tháng/người.

Sự cần thiết và tính đúng đắn của chủ trương xây dựng quỹ nhà ở xã hội là điều không cần phải bàn cãi. Thế nhưng, vấn đề gây sự chú ý hiện nay là số dự án đăng ký triển khai đang ở mức rất cao trong khi số được khởi công, thi công thực tế lại chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, số dự án thực sự khởi động chỉ chiếm khoảng trên 10%: “Cả nước hiện mới có 24 dự án nhà công nhân và 31 dự án nhà cho người thu nhập thấp khởi công trong khi số đăng ký lên tới trên 500 dự án...”. Tại Hà Nội, số dự án nhà ở xã hội đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng đạt tới tổng diện tích đất 4.179ha. Tuy thế, thành phố mới chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số ít nhà đầu tư như Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (dự án tại Khu Sài Đồng, Long Biên); Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 (dự án tại Sài Đồng, Long Biên)...

Chính sách chưa hấp dẫn?

Nhấn mạnh “ngoài nguồn đầu tư phát triển quỹ nhà ở từ ngân sách, Hà Nội luôn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển và kinh doanh nhà ở theo quy định để bán trả chậm, trả dần, cho thuê và thuê mua cho đối tượng thu nhập thấp” nhưng đại diện Sở TN-MT Hà Nội cũng thừa nhận: “Cơ chế, chính sách hiện chưa thực sự hấp dẫn để các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn trong công tác xây dựng nhà ở xã hội”.

Phân tích sâu hơn về tình trạng “đăng ký nhiều, làm chẳng bao nhiêu”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, các dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị không sử dụng vốn ngân sách mà chủ yếu huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Thế nhưng, thời gian qua, các dự án đầu tư nói chung và dự án nhà ở thu nhập thấp nói riêng đều bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế thế giới cũng như trong nước. Ngoài ra, đối với các dự án nhà ở thu nhập thấp, các chủ đầu tư khó có thể huy động vốn ứng trước của người mua như khi tham gia đầu tư nhà ở thương mại. Thời gian thu hồi vốn lại kéo dài nếu áp dụng hình thức cho thuê, thuê mua nên doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư.

Cũng theo Bộ Xây dựng, theo quy định, các địa phương phải bố trí quỹ đất dành để đầu tư xây dựng nhà giá thấp gắn với quy hoạch các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới (tỷ lệ tối thiểu 20%) hoặc quy hoạch bố trí riêng quỹ đất cho các dự án nhà ở thu nhập thấp. Song, việc triển khai điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở thu nhập thấp ở một số địa phương còn chậm so với yêu cầu. Cuối cùng, trình tự và thủ tục hành chính triển khai dự án ở một số địa phương hiện nay chưa có sự chuyển biến tích cực, thậm chí còn gây khó khăn đối với các nhà đầu tư tham gia dự án, do đó tiến độ triển khai dự án nhà ở thu nhập thấp chưa được như mong muốn.

Gỡ thế bí cho các dự án nhà xã hội, hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai thí điểm cơ chế hỗ trợ, cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án, với lãi suất ưu đãi (khoảng 6-7% năm), thời hạn vay từ 10-15 năm. Cùng với đó, chính quyền các cấp cần quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh quy hoạch, tạo quỹ đất dành để xây dựng nhà ở thu nhập thấp cũng như cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn tiến độ triển khai các dự án nhà ở thu nhập thấp...

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô