Top

Tồn kho bất động sản: những hệ luỵ

Cập nhật 24/04/2014 08:16

Với việc tồn kho bất động sản vẫn ở mức cao và chưa có nhiều giải pháp giải phóng hàng tồn thì mới đây, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép mới cho các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị mới trong năm 2014. Đề xuất trên có thể giúp giải quyết tồn kho hay không cần phải đợi câu trả lời qua thời gian, song việc hạn chế các dự án xây dựng mới lại bị xem là có vấn đề. Những căn biệt thự không người ở hay những căn hộ tồn kho liệu sẽ có nhiều cơ hội được giải phóng hơn nếu như đề xuất về việc dừng cấp phép cho các dự án nhà ở thương mại mới do Bộ Xây dựng đưa ra được thông qua?

Tính đến cuối tháng 2/2014, lượng tồn kho bất động sản lên tới 92.690 tỷ đồng. Áp lực giải quyết hàng tồn bất động sản là cực lớn, song theo các chủ đầu tư, đề xuất của Bộ Xây dựng lại mới chỉ giải quyết được một chiều của vấn đề. Theo các chuyên gia xây dựng, có vấn đề bất cập ở đây là với những dự án chủ đầu tư đã bỏ tiền giải phóng mặt bằng thì sẽ ra sao, sẽ để chôn vốn ở đấy? Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng nên rà soát và những dự án mang tính khả thi thì nên để triển khai, còn những dự án tính khả thi không cao, vị trí xa trung tâm, hạ tầng không đảm bảo... thì dừng là hợp lý.


Vấn đề đặt ra ở đây là nên có sự kiểm soát chặt chẽ với các dự án bất động sản mới thay vì việc dừng toàn bộ không cấp phép mới cho các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị mới. Có một thực tế là sản phẩm tồn kho bất động sản chủ yếu là căn hộ cao cấp, trong khi nhu cầu thị trường về sản phẩm có giá trung bình lại vẫn đang còn thiếu. Như vậy, việc dừng cấp phép dự án nhà ở thương mại mới trong năm 2014 dưới góc nhìn nào đó sẽ là việc ép người dân phải lựa chọn các sản phẩm không ưng ý mà bản chất của việc làm này có thể gây nên sự biến dạng thị trường. TS. Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, thị trường hoạt động theo cung cầu, có cầu là sẽ có cung. Sản phẩm thừa nhưng thị trường bất động sản lại gắn với đất, không phải vì thừa ở nơi này mà có thể mang sang nơi thiếu để bán như cái ôtô, cái áo sơ mi. Vì thế, những khu vực người dân hay xã hội có nhu cầu vẫn phải cấp phép để xây dựng.

Không có nguồn cung mới đồng nghĩa với việc thị trường sẽ bị bó hẹp với những sản phẩm tồn kho, như vậy thì lo ngại của nhiều người về việc các sản phẩm bị làm giá sau đề xuất của Bộ Xây dựng không phải là không có cơ sở. Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý được giá bán căn hộ, bởi vì sau khi có đề xuất, rất có thể chủ đầu tư sẽ tăng giá bán các căn hộ cũ thì lúc này sẽ thiệt thòi cho người dân.

Thực tế cho thấy, nguồn cung căn hộ giá rẻ và giá trung bình vẫn đang thiếu so với nhu cầu người dân. Trong hoàn cảnh như vậy thì đề xuất dừng cấp phép dự án nhà ở thương mại mới đang gây nên những băn khoăn không nhỏ, liệu mục tiêu của đề xuất có nhằm giải quyết tồn kho hay lại tự làm khó mình trong thời gian tới?


DiaOcOnline.vn - Theo Sức khỏe & Đời sống