Top

Tín dụng BĐS cộng hưởng từ nhiều chính sách

Cập nhật 28/04/2014 11:18

Nhiều chính sách cho thị trường bất động sản đang cộng hưởng lại sẽ thúc đẩy cho tín dụng bất động sản tăng trong thời gian tới.

Một trong những đặc điểm của thị trường bất động sản (BĐS) ở Việt Nam là sự phục hồi của thị trường này có mối quan hệ với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Khi dòng tín dụng cho vay mua nhà ở khởi sắc trở lại thì thị trường BĐS cũng có tín hiệu tan băng.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của NHNN, tính đến hết tháng 2/2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 266.728 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31/12/2013. So với thời điểm cuối năm ngoái, dư nợ cho vay mua quyền sử dụng đất tăng mạnh nhất, lên tới 7,5% đạt gần 17.000 tỷ đồng. Với những trường hợp cho vay để đầu tư, kinh doanh BĐS khác là 47.003 tỷ đồng, tăng 5,1%.

Nhận định về diễn biến của thị trường BĐS hiện nay, người ta sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau như “tan băng” hay “khởi sắc” và, trên thực tế, nếu nhìn vào dấu hiệu khách quan thì giao dịch nhà đất đã nhiều hơn trước. Sự khởi sắc của thị trường được xem là kết quả của hàng loạt chính sách tháo gỡ từ phía Chính phủ và các bộ ngành, trong đó có sự linh hoạt của ngành Ngân hàng trong chính sách tín dụng.

Dự báo tín dụng BĐS sẽ tăng trong thời gian tới dựa trên những nguyên nhân: Thứ nhất, có thể nói, các gói tín dụng cho vay nhà ở của các NHTM tung ra trong thời gian vài năm qua đã đến giai đoạn phát huy hiệu quả. Hiện nay, nhiều NHTM cho vay tới 70 – 80% giá trị căn hộ mà khách hàng mua. Thứ hai, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đến thời điểm này đã có tỷ lệ cam kết cho vay khoảng 10%.

Đồng thời, NHNN đang phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt hơn cho người vay như: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng vay vốn đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại riêng lẻ có giá rẻ; Cho vay cả với những hợp đồng mua nhà có giá không quá 1,05 tỷ đồng thay vì khống chế về đơn giá và diện tích như hiện nay. Hay như, đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình từ 10 năm lên 15 năm để tăng thời gian trả nợ; bổ sung thêm một số NHTMCP tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.

Đặc biệt, theo thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS mới đây, nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài, chúng ta cần một chính sách tín dụng riêng cho nhà ở xã hội. Gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt. Ngoài ra, chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng theo dạng liên kết 4 nhà với sự tham gia của 8 NHTM và do NHNN giám sát sẽ tạo thành lực đẩy mạnh cho thị trường BĐS. Chỉ trong tháng 4/2014 NHNN đã có danh sách, cụ thể về những ngân hàng, dự án đầu tiên áp dụng mô hình liên kết này.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, thời gian tới, chắc chắn thị trường BĐS sẽ khởi sắc hơn, đặc biệt với phân khúc nhà ở trung bình. “Giá nhà đất đã ở đáy nên từ nay tới cuối năm 2014, thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc, nhu cầu mua nhà sẽ tăng trở lại, nhất là với đối tượng mua nhà để ở. Đặc biệt, với đối tượng công chức, làm công ăn lương, bên cạnh nguồn tiền dành dụm được thì tín dụng ngân hàng sẽ giúp người dân sở hữu nhà” - một chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia lo ngại rằng, với hàng loạt chính sách tín dụng đang hướng tới thị trường BĐS giúp thị trường này tan băng, nhưng có thể sẽ dẫn tới hậu quả là nợ xấu tăng trong tương lai. Quả thực nỗi lo nợ xấu không bao giờ thừa, nhất là những khoản nợ xấu mà chúng ta đang phải xử lý hiện nay phần nhiều liên quan đến BĐS - những dự án mọc như nấm trong thời điểm năm 2007 – 2008 khi thị trường thăng hoa rồi xuống dốc không phanh. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, sự lo ngại này có phần hơi quá mức cần thiết vì nhiều nhà đầu tư vẫn đang phải “ôm hàng” nên khó lặp lại “vết xe đổ” khi họ chưa nhìn rõ cơ hội thị trường trong dài hạn.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm BĐS đang dịch chuyển mạnh hướng tới thị trường cho người mua có nhu cầu ở thực, nên đầu cơ, lướt sóng sẽ rất khó khăn. Các ngân hàng cũng đã và sẽ tiếp tục quản chặt hơn dòng vốn tín dụng nên rủi ro có nguyên nhân chủ quan sẽ giảm.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, nhiều chính sách cho thị trường BĐS đang cộng hưởng lại sẽ thúc đẩy cho tín dụng BĐS tăng trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng