Top

Sống còn

Cập nhật 02/10/2013 13:31

Đằng sau câu chuyện giảm giá 30 -50% giá bán nhà đất đang diễn ra rầm rộ ở TPHCM, đặc biệt là tại Khu đô thị mới Nam Sài Gòn dưới góc nhìn của báo chí đó là những sự kiện mới, có tính nổi bật trên thị trường bất động sản (BĐS) nhưng dưới góc nhìn của các chuyên gia đó là chuyện sống còn, là một phần của tảng băng nợ vay để đầu tư vào các dự án BĐS đang ngày càng bày ra một cách rõ nét.

Tại cuộc họp của Hiệp hội BĐS TPHCM về vấn đề chuyển đổi căn hộ lớn thành nhỏ, dự án NƠTM thành dự án NƠXH, bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Cty Quốc Cường Gia Lai (QCGL) cho biết chỉ tính riêng một dự án có tổng giá trị đầu tư khoảng 700 tỉ đồng ở Khu 6B khu đô thị mới Nam Sài Gòn đã bị lỗ hơn 200 tỉ đồng.

Cứ mỗi ngày trôi qua, QCGL phải trả khoảng 200 triệu tiền lãi vay NH cho dự án này. Bà Như Loan cũng cho biết đã giảm giá bán căn hộ dự án này từ 20 triệu đồng/m2 xuống còn 12 triệu đồng/m2 và đã có người mua. Từ trước đến nay, nói đến “phá giá” nhà đất ở TPHCM người ta thường nhắc đến các Cty Hoàng Anh Gia Lai, Novaland, Phát Đạt… chứ chưa thấy QCGL lên tiếng.

Lần này, có thể là lần đầu tiên QCGL có công bố về việc giảm giá cho một dự án, mức giảm giá cũng khá lớn lên đến 40%. Làn sóng giảm giá bán sản phẩm nhà đất từ các dự án bất động sản đang có xu hướng ngày một lan rộng, trên các phương tiện truyền thông người tiêu dùng chỉ có thể biết đến những dự án có mức giảm giá “khủng” 30 -50%.

Trên thực tế có hàng chục dự án xây dựng chung cư khác, đặc biệt là các dự án chung cư phân hạng phổ thông cũng đang âm thầm giảm giá tuy nhiên mức giảm giá không nhiều... Tất cả đều có chung mục tiêu giảm giá để giải quyết hàng tồn kho cho dù cái giá phải trả là rất đắt.

Chưa bao giờ “sức khỏe” của các DN BĐS lại có nhiều vấn đề như hiện nay. Cũng có chuyên gia cho rằng, “sức khỏe” DN BĐS được phô bày như hiện nay không phải đến bây giờ họ mới yếu mà đến bây giờ không thể che giấu được nữa. Các DN BĐS đã niêm yết trên sàn giao dịch CK, người ta có thể dễ dàng  biết được “sức khỏe” của DN thông qua các chỉ số. Còn các DN chưa niêm yết chỉ khi nào họ có thông báo thì mới có thể biết được “thể trạng” thực sự của họ. Một số liệu mạng tính tham khảo là TPHCM có đến hơn 320 dự án BĐS phải tạm dừng. Tính chung cả nước con số này là hơn 400 dự án.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM từng có lần cho rằng làn sóng giảm giá  nhà đất không chỉ đơn thuần là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tồn kho mà đó còn là sự sống còn của nhiều DN. Các DN buộc phải giảm giá bán mạnh để giải quyết bài toán DN. Bán được hàng dù giá rẻ, bán hòa vốn, bán lời ít  và thậm chí bán lỗ vốn vẫn tốt hơn là chịu lãi suất NH. Các NH cũng nhìn vào hoạt động của DN để từ đó mới có thể đưa ra các quyết định khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ.

Hay đơn giản hơn, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM thì DN đang cần dòng tiền mặt hơn bao giờ hết. Tảng băng BĐS, nợ BĐS đang ngày một nhô cao hơn nhìn thấy rõ hơn. Trong hoàn cảnh bị bao vây bởi nợ, hàng tồn kho… sự chọn lựa của DN dường như chỉ còn một mục tiêu đó là sống còn. 


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động