Top

Môi giới BĐS: Mạnh ai nấy làm

Cập nhật 26/09/2013 14:31

Trong bối cảnh thị trường sụt nhiều hơn trồi suốt 2 năm qua, đâu đó xuất hiện thông tin đội ngũ môi giới (bao gồm cả "cò") đã giải nghệ, hoặc chuyển hẳn sang ngành nghề khác.

Thị trường lao dốc, thanh khoản gần như về điểm cực tiểu kể từ nửa cuối 2011 đã "hạ gục" hầu hết những doanh nghiệp (DN) thiếu tiềm lực về tài chính cũng như năng lực chuyên môn. Hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền theo dạng domino của BĐS đã lan sang cả các ngành nghề liên quan như kinh doanh, sản xuất VLXD, thi công, bảo trì công trình, lắp đặt nội ngoại thất…

Giữa muôn trùng khó khăn

Môi giới BĐS đương nhiên cũng không nằm ngoài thảm cảnh đó. Chỉ sau chừng đó thời gian, số lượng sàn giao dịch BĐS "xịn", lẫn "núp bóng" (trung tâm môi giới, văn phòng môi giới) giảm đi trông thấy. Theo một con số thống kê chưa đầy đủ từ cơ quản quản lý vĩ mô, tính tới 31/12/2012 có tới 2/3 số lượng sàn đã ngừng hoạt động.

Tại Hà Nội, các con phố được coi là "tụ điểm" của dân môi giới đã không còn náo nhiệt như trước. Dọc theo đường Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương kéo dài, Khuất Duy Tiến, chỉ còn tồn tại lác đác vài sàn còn biển hiệu nhưng thường xuyên "cửa đóng then cài". Đối với những sàn không có chức năng đầu tư (không có chủ đầu tư đứng sau), dường như khó khăn lại càng chất chồng, khi ngày 15/4/2013 Bộ Xây dựng công bố dự thảo Thông tư Quy định chế độ báo cáo về tình hình triển khai dự án BĐS và tình hình giao dịch BĐS. Theo đó, vào các ngày 25 hàng tháng, các sàn giao dịch BĐS phải báo cáo về tình hình giao dịch mua bán đối với nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở (kể cả mua bán nhà hình thành trong tương lai) về Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố và Bộ Xây dựng.

Các giao dịch cho thuê nhà ở, mặt bằng kinh doanh, văn phòng cho thuê, cho thuê đất mặt bằng sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp… cũng phải báo cáo. "Quy định này vô hình trung đã khiến sàn giao dịch BĐS giảm đi cơ hội kinh doanh, vì yếu tố thông tin bị công khai quá sớm so với thời điểm khách hàng có thể giao dịch hoàn tất.." – lãnh đạo một sàn giao dịch BĐS trên đường Lê Văn Lương phàn nàn.

Trong trường hợp các sàn giao dịch BĐS không báo cáo theo quy định, Bộ Xây dựng sẽ có công văn gửi đơn vị, đồng thời gửi Sở Xây dựng yêu cầu đôn đốc, kiểm tra và công khai đăng tải thông tin về vi phạm trên website của Bộ Xây dựng, website mạng các sàn giao dịch BĐS. Nếu vi phạm lần thứ hai sẽ bị đình chỉ hoạt động. Việc báo cáo sẽ bắt đầu từ quý III/2013.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc không báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian qua đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh BĐS của chủ đầu tư và hoạt động kinh doanh dịch vụ của các sàn BĐS… Phản biện về quy định có phần quá ngặt nghèo này, một đại diện của TCT Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) cho rằng việc báo cáo hàng quý cho cơ quan chức năng thực sự không cần thiết. Thông tin kinh doanh cũng cần được bảo mật để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cạnh tranh!

Anh Nguyễn Hoàng, nhân viên môi giới vừa nghỉ việc của sàn giao dịch BĐS, than thở: thị trường đang có dấu hiệu khá lên; tuy nhiên, chỉ có những sàn, những lãnh đạo DN linh hoạt và nhạy bén trong cách tổ chức, hoạt động thì mới mong duy trì và tận dụng được thời cơ này để khai thác…

"Khéo co thì ấm"

Trong khi nhiều sàn giao dịch phải cắt giảm lượng nhân viên môi giới, tư vấn trước áp lực tài chính, không ít lãnh đạo sàn đã tìm tới cách làm sáng tạo để tự cơ cấu lại cho nhỏ gọn theo hướng "quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Một trường hợp điển hình: sàn giao dịch NewDayLand (Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội).

Đơn vị môi giới này không có sự "chống lưng" của chủ đầu tư và hoạt động đúng chức năng môi giới, tư vấn. Vận hành khá trơn tru cho tới khi BĐS lâm vào khó khăn, lãnh đạo sàn này đã buộc phải cho một số nhân viên môi giới nghỉ. Bù đắp vào đó, để tăng sức mạnh và hiệu quả kinh doanh, lãnh đạo sàn đã sáp nhập nhân sự còn lại vào một đơn vị với pháp nhân khác (nhưng giao dịch bằng pháp nhân cũ).

Đồng thời, với việc chuẩn bị từ trước đó, sàn giao dịch mới này bao gồm một số môi giới khác từ các sàn (vẫn đang làm việc hoặc đã nghỉ), thậm chí các môi giới tự do. Lực lượng môi giới lúc đó là những người thừa kinh nghiệm về thị trường và đủ kỹ năng nghiệp vụ cần thiết. Mô hình theo kiểu sáp nhập như trên vận hành theo kiểu phát huy tối đa mối quan hệ, năng lực của từng nhân viên, làm và hưởng theo chính năng lực của mình.

Có ý kiến cho rằng cách làm này là tự phát và thiếu quy củ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sàn đang tìm tới phương thức này, nhất là những sàn không có chức năng đầu tư. Ưu điểm nhất của mô hình này nằm ở cơ cấu tinh nhuệ, sự tự do phát huy năng lực, sở trường của mỗi cá nhân; không áp chỉ tiêu, cũng không quản lý về thời gian và đặc biệt là minh bạch, công khai về lợi nhuận để duy trì sự ổn định của một tập thể.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo kinh doanh