Top

Không nên cho phép thế chấp nhà ở chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu

Cập nhật 23/02/2016 15:59

Theo Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), nếu cho phép thế chấp nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, có thể dẫn đến một nhà ở thế chấp nhiều nơi.


Nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện thế chấp.

Vào thời điểm cuối năm 2015, nhiều cơ quan công chứng (thuộc Bộ Tư pháp) và Cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường) từ chối công chứng, hoặc đăng ký thế chấp các hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai với lý do chưa có hướng dẫn của Bộ chủ quản. Do vậy, các ngân hàng thương mại không thể thực hiện được các hoạt động nhận thế chấp và cấp tín dụng theo nhu cầu của khách hàng.

Điều này đã gây ách tắc cho thị trường BĐS do số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai đang chiếm tỷ lệ cao trong giao dịch và nhu cầu rất lớn của chủ đầu tư cần thế chấp dự án nhà ở để vay vốn đầu tư.

Để giải quyết ách tắc này, Ngân hàng nhà nước đã có văn bản số 410/NHNN-PC ngày 25/01/2016 gửi Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên Môi trường, Văn bản số 411/NHNN-PC ngày 25/01/2016 gửi Bộ Xây dựng đề nghị phối hợp giải quyết các vướng mắc nêu trên.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và tình hình thực tiễn của thị trường BĐS, HoREA cho rằng, đối với nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện thế chấp nhà ở. Nếu cho phép thế chấp nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì có thể dẫn đến một nhà ở thế chấp nhiều nơi.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng