Top

Hà Nội chật chội mặt bằng bán lẻ

Cập nhật 24/11/2009 15:20

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, 10 tháng đầu năm 2009, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2008.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 350 chợ, 85 siêu thị và đại siêu thị, 14 trung tâm thương mại với diện tích bình quân 10.000 m2/trung tâm và 3 trung tâm thương mại của Hà Tây cũ.

Tính cả những diện tích bán lẻ mà Hà Nội đang tiến hành xây dựng như chợ Hàng Da, Đồng Xuân, Thành Công, Giảng Võ, chợ Hôm, chợ Mơ... thì mặt bằng bán lẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của 6,5 triệu dân.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, 10 tháng đầu năm 2009, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 16,9%. Kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, tăng trưởng doanh thu bán lẻ liên tiếp trong mấy tháng vừa qua cho thấy nguồn cầu lớn cho hàng hóa và dịch vụ bán lẻ.

Người tiêu dùng có sự chuyển biến

Theo nhận định của các chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, đã có một sự chuyển biến lớn trong xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam, ngày càng nhiều người mua sắm lựa chọn đến các trung tâm thương mại hiện đại thay vì đến các khu vực mua bán truyền thống. Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại thị trường Hà Nội sẽ rất cao để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phân tích: “Để đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ phải thông qua hệ thống riêng của mình, vì vậy, vấn đề mặt bằng, địa điểm bao giờ cũng rất quan trọng và là ưu tiên số một của các nhà bán lẻ”.

Như vậy, tiềm năng phát triển hình thức bán lẻ hiện đại khá cao bởi khách hàng ngày càng có ít thời gian đi lại để thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Khi đó, các nhà bán lẻ sẽ phát triển mạng lưới để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận hơn thông qua việc đầu tư tại mỗi quận của Hà Nội một siêu thị hoặc một trung tâm thương mại.

Việc Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ và hội nhập sâu hơn sẽ mở ra cơ hội cho nhiều chủ đầu tư bán lẻ quốc tế có kinh nghiệm đang hoạt động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia mở rộng đầu tư sang Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Ông Richard Leech, Giám đốc Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam cho rằng, một xu hướng chủ đạo ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ Việt Nam chính là vai trò của các liên doanh chiến lược đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, thay vì trước đây các chủ đầu tư cần tiền mặt thì ngày nay cả tiền mặt và kinh nghiệm trong ngành bán lẻ đều được chú trọng ngang.

Đồng nghĩa với việc sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà bán lẻ cao cấp tham gia thị trường với nhu cầu bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế. Để giải quyết vấn đề thiếu các vị trí bán lẻ tốt, hiện đại, các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục tìm kiếm các vị trí trên các tuyến phố để củng cố vị trí và gia tăng thị phần nên nhu cầu mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội sẽ ngày càng lớn.

Tìm giải pháp cho thực trạng hiện nay

Nhấn mạnh mặt bằng bán lẻ là một trong những điều kiện quan trọng nhất để phát triển kinh doanh bán lẻ, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cũng chỉ rõ thực trạng: “Không kể đến các thị trường có mặt bằng bán lẻ quá đắt đỏ như Tokyo, Hồng Kông, mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam chỉ rẻ hơn Bắc Kinh, Singapore, và đắt hơn cả Đài Loan, Bangkok, Jakarta. Đây là bài toán hết sức khó giải đối với các nhà bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là khi muốn thuê mặt bằng ở khu trung tâm hoặc những địa điểm thương mại thuận tiện”.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty CB Richard Ellis Việt Nam, các trung tâm thương mại nằm tại khu vực trung tâm của Hà Nội đều đã kín toàn bộ với giá thuê khoảng 54 USD/m2/tháng (quý 3/2009), còn tại các khu vực ngoài trung tâm hiện đang có giá trung bình là 37 USD/m2/tháng. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ của các trung tâm thương mại tại Hà Nội hiện đạt xấp xỉ 103.576 m2 diện tích cho thuê thuần của 13 trung tâm thương mại (do Trung tâm thương mại Hà Thành đóng cửa) với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt tới 79%.

Thế nhưng báo cáo này cũng cho thấy, các diện tích bán lẻ từ các căn nhà mặt phố được nâng cấp tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng, gây áp lực về giá thuê mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại, đặc biệt là ở khu vực ngoài trung tâm thành phố - bởi phần lớn các diện tích trống đều nằm ở khu vực này. Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại ở khu vực ngoài trung tâm đang gặp phải các vấn đề về cơ cấu khách thuê, nhiều dự án sẽ chuyển nhượng cho các nhà bán lẻ chuyên nghiệp thuê lại toàn bộ hoặc các diện tích lớn.

Căn cứ vào tình hình các dự án mới đang triển khai, phần lớn nguồn cung bán lẻ trong năm 2010 sẽ tập trung tại khu vực phía Tây của Hà Nội và một số khu vực nhỏ lẻ xung quanh thành phố (như Grand Plaza Hanoi nằm đối diện Big C Thăng Long), đồng thời, nguồn cung diện tích bán lẻ tại khu vực trung tâm vẫn tiếp tục còn hạn chế.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Giám đốc kinh doanh của Công ty Cổ phần Quản lý tài sản IDJ cho biết: “Mặc dù mới bắt đầu giới thiệu ra thị trường nhưng đã có rất nhiều nhà bán lẻ đặt vấn đề thuê gian hàng kinh doanh tại Grand Plaza. Với nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh ngày càng tăng do kinh tế đã thoát khỏi khủng hoảng và vẫn tăng trưởng cao, đồng thời do sự thiếu hụt về mặt bằng bán lẻ cao cấp, chắc chắn các gian hàng tại Grand Plaza sẽ được các nhà kinh doanh bán lẻ thuê hết trước ngày khai trương dự kiến là 1/5/2010”.

Trong một vài năm tới, nguồn cung mặt bằng bán lẻ từ các dự án trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động tại khu vực ngoài trung tâm vẫn dồi dào hơn, chẳng hạn như Savico Plaza - khu dự án phức hợp bán lẻ tiêu biểu với hơn 50.000 m2 tại quận Long Biên (dự kiến hoàn thành năm 2011), hoặc Keangnam Hanoi Landmark Tower dành diện tích mặt bằng bán lẻ là 82.875 m2, hay Times Square Hanoi với diện tích cho thuê thực khu bán lẻ là 30.000 m2, Yenso Park Shopping Mall dành diện tích cho thuê thực khu bán lẻ 49.253 m2, Indochina Plaza Hanoi dành diện tích cho thuê bán lẻ 19.929 m2 đều được dự kiến hoàn thành vào năm 2012.

 

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy