Top

Gồng gánh tiền thuê đất

Cập nhật 06/08/2014 09:49

Trong khi hàng loạt DN đang gặp khó, không tìm được đơn hàng thì tiền thuê đất lại đột ngột tăng khiến DN ngày càng kiệt quệ.


Tại hội thảo “Khó khăn của DN về tiền thuê đất” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp quận Phú Nhuận tổ chức ngày 24/7/2014 tại Trung tâm Hội nghị Phú Nhuận Plaza, nhiều DN phản ánh đang phải gánh “món nợ” tiền tỷ do bị truy thu tiền thuê đất từ năm 2006 đến nay.

Theo đại diện Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri), Công ty thuê đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp và nộp thuế đất nông nghiệp cho đến năm 2013. Hiện nay DN phải nộp thuế 100% diện tích đất thuê, trong khi chưa đo đạc diện tích sử dụng cụ thể khiến tiền thuê đất bị truy thu lên tới hàng chục tỷ đồng.

Điển hình là trường hợp một công ty con của Sagri, DN này bị truy thu 90 tỷ đồng tiền thuê đất tính từ năm 2006 đến nay, trong khi vốn của DN chỉ có 60 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến giá cho thuê đất trồng cao su đang cao hơn 3 lần so với giá đất trồng các loại cây khác, mà cao su đang rớt giá nên lại càng gây khó cho DN.

Khá bức xúc việc có quá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến quy định tiền thuê đất khiến DN bị rối, ông Bùi Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP May Da xuất khẩu 30/4, cho hay: “Chỉ từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 tôi đã phải nghiên cứu đến 11 văn bản về tiền thuê đất, chưa kể việc giá đất tăng gấp nhiều lần qua từng giai đoạn từ năm 2006 đến nay”. Ông Đỗ Hướng Dương, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), cũng cho rằng giá thuê đất chu kỳ 2011 - 2015 đã tăng gần 4 lần so với chu kỳ 2006 - 2011.

Thông cảm với khó khăn của DN, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, cho biết, 5 nghị định của Chính phủ và 2 thông tư của Bộ Tài chính tập trung vấn đề giá sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 và đã phần nào giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho DN.

Tuy nhiên, giá thuê đất tại TP.HCM hiện nay quá cao, gây thêm khó khăn cho DN, dẫn đến giá thành sản phẩm ngày càng bị đội lên cao. Lý giải điều này, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá, Sở Tài chính TP.HCM, trình bày, nguyên tắc tính tiền thuê đất là dựa theo bảng giá đất công bố hằng năm của UBND TP.HCM.

Trước năm 2006, giá đất UBND TP.HCM công bố trên thực tế chỉ bằng 30% giá thị trường. Nhưng để mang lại sự công bằng cho DN, đảm bảo các đơn vị sử dụng tốt nguồn lực đất đai, tiết kiệm, gắn với sự chuyển đổi của nền kinh tế, đồng thời để tránh tình trạng các sản phẩm của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường xuất khẩu, các văn bản sau này đều tính giá đất trên cơ sở giá thị trường.

Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 cũng áp dụng tính tiền thuê đất theo giá thị trường. Cụ thể với cách tính như sau: giá đất thị trường x hệ số điều chỉnh giá đất 2 lần x 2,5% (là tỷ lệ đơn giá thuê đất).

Tuy nhiên, ông Chiến cũng thừa nhận, thời điểm đưa ra chính sách tăng tiền thuê đất chưa phù hợp, vì năm 2010, thị trường bất động sản đóng băng, kinh tế rất khó khăn. “Để hỗ trợ DN, Sở Tài chính đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép TP.HCM không tính giá đất theo giá thị trường mà xây dựng hệ số xác định tiền thuê đất bằng 2 lần bảng giá đất của UBND TP.HCM đưa ra nhằm giảm áp lực về tiền thuê đất cho DN.

Do vậy, không có chuyện tiền thuê đất tăng lên 4 - 5 lần như DN phản ánh”, ông Chiến khẳng định. Theo ông Chiến, từ năm 2006, việc tính tiền thuê đất được chuyển từ Cục Thuế TP.HCM sang Sở Tài chính. Có nhiều trường hợp DN không kê khai tiền thuê đất của chu kỳ 2006 - 2010 nên bị truy thu, cộng thêm phần lãi phạt chậm nộp khiến DN không chịu nổi.

Để giải quyết vấn đề, các DN đã đồng loạt kiến nghị UBND TP.HCM cần tính lại việc tăng giá đất theo từng thời điểm, cần phải có lộ trình rõ ràng; đề nghị khi ban hành các quy định về giá thuê đất, các cơ quan, ban ngành nên khảo sát tình hình thực tế và thông báo đến DN ít nhất trước 2 năm để DN nghiên cứu, cân nhắc cũng như có kế hoạch phát triển kinh doanh phù hợp. Về phía Cục Thuế, DN đề nghị nên có chính sách gia hạn đóng tiền thuê đất mà DN bị truy thu.

Trả lời kiến nghị của DN đối với cơ quan thuế, bà Lê Thị Tám, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết, cơ quan thuế địa phương không đủ thẩm quyền gia hạn các khoản tiền thuê đất của DN bị truy thu. Tuy nhiên, đối với việc cưỡng chế khoản nợ tiền thuê đất trên 90 ngày, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét đối với các khoản thu từ đất, đặc biệt là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG