Top

Đất hoang hóa, giá vẫn tăng!

Cập nhật 16/05/2010 11:30

Các cơ quan chức năng cần có chính sách tránh sử dụng đất lãng phí tại các dự án khu dân cư mới ở TPHCM

Hàng trăm dự án khu đô thị mới mọc lên tại TPHCM trong những năm qua, dù hiện nay các nền đất đang bị bỏ hoang nhưng giá đất vẫn tăng và còn có chiều hướng sẵn sàng rình rập chờ cơ hội bùng nổ mỗi khi thị trường có dấu hiệu “ấm” trở lại.

Vắng bóng người

Chỉ cần dạo quanh một vòng khu vực quận 2, 9, 7, huyện Nhà Bè... nơi có các dự án đất nền, sẽ dễ dàng nhận ra một thực tế là phần lớn các “đô thị” này vắng bóng người. Tại quận 2, các dự án như Tân Hồng Uy, Huy Hoàng, Thế kỷ 21... chỉ lèo tèo vài căn nhà nằm chơ vơ giữa một đồng cỏ mênh mông, dù đường sá, hạ tầng đã được quy hoạch theo chuẩn.

Ngay cả tại dự án khu dân cư Huy Hoàng, diện tích khoảng 40 ha ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, nơi có vị thế đắc địa (gần trung tâm hành chính của quận 2), được giới đầu cơ và ngay cả người dân săn đón; các cơ quan chức năng đã phải ra “tối hậu thư” yêu cầu chủ đất phải xây nhà và không được mua bán đất khi chưa có giấy chủ quyền.

Thế nhưng đất nền ở đây vẫn được sang tay qua lại nhiều lần và giá cả tăng đều đều dù có thời gian xuống khá thấp khi thị trường đóng băng vào năm 2008.

Nếu vào năm 2003, chủ đầu tư đưa ra thị trường giá bán chỉ khoảng 3 triệu đồng/m2, đến nay giá đã nằm ở khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2, những nền đẹp giá lên đến 60 triệu đồng/m2.

Các dự án ở quận 9, dù từng được xem là nơi hấp dẫn để mua nền đất xây dựng nhà an cư, thế nhưng tình trạng xây dựng lèo tèo cũng khiến cho nhiều người dân chưa thật sự muốn ra đây để xây nhà tạo lập cuộc sống.


Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 - TPHCM dù đã triển khai nhiều năm nhưng số lượng người đến xây nhà để ở rất ít. Ảnh: Tấn Thạnh

Đơn cử, tại dự án khu nhà ở Đại học Bách khoa, những lô nền được chia với diện tích 5 m x 24 m, hiện chỉ lác đác vài ba căn hộ được xây dựng. Nếu như giá gốc từ chủ đầu tư bán cho CB-CNV của trường vào năm 2000 khoảng 700.000 đồng/m2, sau đó những người này bán ra thị trường với giá hơn 1 triệu đồng/m2 và sau rất nhiều lần sang tay thì hiện giá đã đội lên khoảng 15 triệu đồng/m2...

Hình ảnh những khu dân cư vắng bóng người còn có thể nhận thấy ở nhiều dự án nhà ở trên địa bàn TP tại các huyện như Nhà Bè, Bình Chánh, quận Thủ Đức..., nhất là đối với những dự án không thuận lợi về mặt giao thông do nằm xa các tuyến đường do Nhà nước bỏ tiền ra làm.

Tăng giá do đầu cơ đất


Theo thống kê của một số công ty địa ốc, hiện trên địa bàn TP có khoảng 60% dự án đất nền có dấu hiệu bị bỏ hoang. Từ đầu năm đến nay, mặc dù thị trường nhà đất tại TPHCM vẫn đóng băng nhưng giá rao bán đất nền khu vực quận 2, 9, huyện Nhà Bè và Bình Chánh lại liên tục tăng giá.

Mở đầu cho đợt tăng giá đất này là tại khu vực quận 2, 9, sau đó lan sang huyện Nhà Bè và Bình Chánh. Dù việc tăng giá này được phân tích là do tiến độ hoàn thành của hàng loạt công trình giao thông như cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm... nhưng không loại trừ là do giới đầu cơ đất kích cầu thông qua việc “thổi giá”, tạo các giao dịch ảo...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nguyên nhân khiến các dự án này đến nay vẫn còn hoang hóa là do những người mua đất chủ yếu là dân đầu tư dù nhiều dự án đã công bố bán gần cả chục năm nay. Nếu người dân mua cũng là để dành vì có xây nhà cũng khó ở.

Trong khi đó, do chủ đầu tư đã bán hết đất rồi nên không còn quyền lợi để có động lực chăm sóc, phát triển tiếp dự án. Còn lý giải về việc nhiều khách hàng chưa “mặn” với việc xây dựng để ở tại các khu dân cư này, ông Châu cho rằng là do hạ tầng chưa được kết nối đồng bộ.

Điển hình như cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm... mặc dù trục đường lớn đã được xây dựng nhưng những đường xương cá, đường dẫn kết nối vào những dự án khu đô thị vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, các công trình phúc lợi cho xã hội như trường học, bệnh viện, siêu thị... vẫn chưa có và điều này khiến nhiều người ngán ngại.

Nhiều chuyên gia cho rằng để tránh tình trạng lãng phí, các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại chính sách nhằm chống đầu cơ đất và chấm dứt tình trạng “đất hoang hóa, giá không giảm” như trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động