Top

Thực hiện đề án 30 tại TPHCM

Dân và Nhà nước đỡ nhọc

Cập nhật 15/01/2010 10:15

Đề xuất bỏ hoặc sửa gần 60% thủ tục hành chính, trong đó có rất nhiều thủ tục lâu nay là nỗi ám ảnh của người dân, làm nặng “vai” cơ quan quản lý.

Tại TPHCM, Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ (Đề án 30) đang bước vào giai đoạn nước rút: rà soát và đề xuất đơn giản hóa TTHC.

Con số 60% TTHC được các đơn vị đề xuất bãi bỏ, thay thế hoặc bổ sung được tổ Đề án 30 TP thông tin ban đầu không phải là nhỏ, trong đó rất nhiều TTHC lâu nay là nỗi ám ảnh đối với người dân, doanh nghiệp và cũng làm nặng “vai” cơ quan quản lý.

Quận-huyện: Mạnh dạn cắt!


Là một trong hai địa phương của TPHCM được chọn rà soát điểm (cùng với huyện Củ Chi), quận 6 có 310 TTHC phải thực hiện rà soát. Sau 2 tháng rà soát cùng với sự hợp lực của các phòng ban, tổ Đề án 30 quận 6 đã mạnh dạn đề xuất TP bãi bỏ 159 thủ tục (tỉ lệ 51,29%) và sửa đổi, bổ sung 90 thủ tục (29,03%).

Con số này cũng tương đương tỉ lệ mà tổ Đề án 30 huyện Củ Chi đề xuất TP. Một cán bộ tổ Đề án 30 quận 6 nhìn nhận: Không đụng đến TTHC thì thôi, chứ đụng tới sẽ thấy không ít thủ tục không cần thiết phải ban hành.

Chưa kể một số TTHC cùng phạm vi áp dụng và nội dung nhưng tên gọi lại khác nhau nên cũng gây rắc rối cho chính cơ quan quản lý Nhà nước. Đơn cử như TTHC xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (quy định của UBND TP) còn có hai tên khác là xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất (Nghị định số 181 của Chính phủ) và xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (thông tư của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường).

Ngoài ra, theo tổ Đề án 30 quận 6, TTHC này cũng không cần thiết phải được văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (hoặc Phòng Tài nguyên - Môi trường) cấp quận thực hiện xóa đăng ký thế chấp.

Nguyên nhân là do bên thế chấp đã thanh toán nợ cho ngân hàng, đồng thời bên nhận thế chấp đã trao trả lại các giấy tờ bản chính liên quan quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đã thông tin cho phòng công chứng về việc hợp đồng thế chấp đã hết hiệu lực.

Người dân đăng ký quyền sử dụng đất tại Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 6 - TPHCM. Ảnh: T.Thạnh.


Song, để đạt mục tiêu trong công tác quản lý là xác nhận việc cá nhân, hộ gia đình thế chấp đã hoàn thành nghĩa vụ cho bên nhận thế chấp, không còn bị hạn chế về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu, đối với tài sản của mình thì phương án tổ đề án đưa ra để sửa đổi thủ tục này là: “Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định cụ thể về trách nhiệm công chứng hợp đồng thế chấp nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên nhận thế chấp và nghĩa vụ bên thế chấp. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải quy định cụ thể cho bên nhận thế chấp phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước về việc nhận, xóa thế chấp nhằm quản lý thông tin dữ liệu địa chính, về tình trạng thực hiện các quyền của người sử dụng đất”.

Theo các cán bộ phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện, nếu TTHC này được sửa đổi, người dân sẽ đỡ chạy lòng vòng mà trách nhiệm xác nhận phải do cơ quan quản lý Nhà nước và các ngân hàng thực hiện. Con số thống kê của tổ Đề án 30 quận 6 cũng cho thấy lĩnh vực nhà đất, một trong những lĩnh vực lâu nay người dân thường kêu ca, được quận mạnh tay kiến nghị cắt bỏ.

Cụ thể, trong số 24 TTHC rà soát thuộc lĩnh vực nhà đất, có đến 14 thủ tục kiến nghị bãi bỏ, 7 thủ tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung và chỉ còn 3 thủ tục là kiến nghị giữ nguyên.

Quy thẩm quyền về một mối

So với 23 sở, ngành khác trên địa bàn TP, Sở Xây dựng được xem là cơ quan quản lý Nhà nước có số TTHC đang áp dụng không nhiều (62 TTHC). Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỉ lệ 82% số thủ tục được tổ Đề án 30 của sở này đề nghị bãi bỏ hay sửa đổi, bổ sung thì đề xuất này quả là “dũng cảm” (thủ tục đề nghị giữ nguyên chỉ còn lại 12,9%).

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng, tổ phó tổ Đề án 30, phân tích: 20/62 TTHC đề nghị bãi bỏ bởi vì có một số quy định mới Trung ương ban hành nên thục tục cũ không còn phù hợp, gần 34 TTHC đề nghị sửa đổi, bổ sung là kết quả đáng lưu ý.

Trong đó có rất nhiều thủ tục không chỉ bỏ bớt quy trình mà còn giảm 50% thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp.

Đây chính là điều nhiều người mong chờ, nhất là đối với lĩnh vực nhà đất, xây dựng. Chẳng hạn như thủ tục cấp bổ sung chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư, giám sát thi công xây dựng công trình, Sở Xây dựng kiến nghị không phải thông qua hội đồng tư vấn xét cấp chứng chỉ hành nghề mà giao thẳng thẩm quyền cho giám đốc Sở Xây dựng vì có thông qua hội đồng hay không thì cuối cùng Sở Xây dựng vẫn là cơ quan chịu trách nhiệm. “Nếu bỏ bớt một “cửa” nêu trên, thời gian giải quyết TTHC này còn 10 ngày làm việc thay vì 30 ngày như hiện nay”- ông Hải nói.

Nhiều thủ tục có mà như không!

Nguyên nhân các sở-ngành, quận-huyện, phường-xã đề nghị bãi bỏ nhiều TTHC không chỉ vì rườm rà, không cần thiết mà còn có nguyên nhân là TTHC... chưa từng sử dụng trên thực tế. Một cán bộ tổ Đề án 30 xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết: Với TTHC “Cấp phép xây dựng tạm thuộc thẩm quyền UBND cấp xã”, trên thực tế xã chưa cấp loại thủ tục này bao giờ vì UBND xã không có thẩm quyền này.

Tương tự, TTHC “Xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường” cũng không được huyện ủy quyền cho UBND cấp xã thì làm sao UBND xã vận dụng. Do đó, hai thủ tục này đã được kiến nghị bãi bỏ.

Qua rà soát, UBND các quận - huyện cũng gặp tình trạng TTHC “chỉ nằm trên giấy”. Một cán bộ tổ Đề án 30 TP nhìn nhận đây cũng là điều chưa thật sự hiệu quả bởi việc bãi bỏ các TTHC không áp dụng trên thực tế là điều đương nhiên.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc NLĐ