Top

Bất động sản vùng ven khởi sắc nhờ hiệu ứng hạ tầng?

Cập nhật 15/03/2015 08:54

Việc hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đưa vào sử dụng trong thời gian vừa qua, không chỉ làm thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố mà còn góp phần mở lối cho thị trường bất động sản "thức giấc" sau thời gian "ngủ đông". 

Cầu Nhật Tân làm "nóng" thị trường BĐS Đông Anh

Hạ tầng làm “nóng” bất động sản

Hạ tầng đô thị tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có sự phát triển vượt bậc, với nhiều công trình đã hoàn thiện và một loạt công trình khác mới được khởi công. Theo sau sự phát triển của hạ tầng, thị trường bất động sản cũng đã khởi sắc trở lại sau thời gian dài “băng giá”.

Với việc cầu Nhật Tân thông xe vào đầu tháng 1/2015, huyện Đông Anh giờ đã trở nên gần hơn rất nhiều, chỉ việc đi qua cầu là đã tới khu vực Hồ Tây. Các “cò” đất đã không bỏ qua cơ hội khi liên tục “hét” giá khiến cho BĐS tại khu vực này khẽ trở mình sau một thời gian đóng băng.

Theo tìm hiểu, giá nhà đất ở thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc dao động từ 25 - 40 triệu đồng/m2. Đất tại thôn Ngọc Giang khoảng 20 - 22 triệu đồng/m2 mặt đường rộng 4 - 5m. Đất phía bên trong làng Ngọc Chi cũng từ 30 - 40 triệu đồng/m2…

Tại khu đô thị Ciputra giá nhà liền kề, biệt thự đầu năm 2014 có mức bán khoảng 70 - 90 triệu đồng/m2, nay vào khoảng 120 - 130 triệu đồng/m2. Chung cư Vườn Đào năm 2013 là 25 - 30 triệu đồng/m2; nay là 35 - 40 triệu đồng/m2; giá biệt thự tăng từ 100 triệu đồng lên 120 triệu đồng/m2…

Lợi thế vượt bậc từ việc thông cầu cho vùng đất huyện Đông Anh đã được nhiều nhà đầu tư nhìn thấy trước đó và họ hoàn toàn có cơ sở để nhận lấy giá trị gia tăng bất động sản cho sự đầu tư khôn ngoan này.

Hiệu ứng từ cầu Nhật Tân cho thấy tiềm năng của các dự án bất động sản ở những đô thị vùng ven hay các thành phố vệ tinh. Tận dụng cơ hội này, gần đây tại các dự án BĐS vùng ven cách Hà Nội khoảng 30 phút xe chạy cũng đã được chủ đầu tư tung ra chào bán, ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Cầu Nhật Tân là một ví dụ điển hình nhất cho thấy thị trường bất động sản đang ấm lên là nhờ “ăn theo” hạ tầng giao thông bên cạnh sự phát triển kinh tế của khu vực.

Vị trí của cầu Mễ Sở trong dự án vành đai 4 Hà Nội

Cơ hội cho bất động sản vùng ven đô

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông không chỉ trong nội đô mà bao gồm cả các vùng ven, liên kết các đô thị vệ tinh, hàng loạt con đường mới, cầu vượt, đường cao tốc đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Trong đó, phải kể đến đường vành đai 4 Hà Nội, tuyến giao thông được xác định là “cao tốc của Thủ đô ” có chiều dài khoảng 98 km, đi qua nhiều quận và huyện của thủ đô.

Trong quy hoạch đường vành đai 4 Hà Nội sẽ có cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng là cầu Mễ Sở. Giới đầu tư BĐS cũng hy vọng cây cầu này sẽ có những tác động tích cực lên thị trường BĐS phía Nam Hà Nội cũng như huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Dự kiến khi hoàn thiện, cầu Mễ Sở cùng vành đai 4 sẽ là cao tốc thuận tiện nối liền Hà Nội với các khu đô thị vệ tinh trọng điểm xung quanh. Việc đầu tư xây dựng đường vành đai 4, đoạn từ quốc lộ 1B đến chân cầu Mễ Sở, và cầu Mễ Sở còn nhằm tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh phía tây, tây bắc với các vùng kinh tế phía Đông Hà Nội, đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc đang được triển khai như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hòa Lạc – Hòa Bình…

Theo quy hoạch của Dự án, cầu Mễ Sở sẽ nối huyện Thường Tín – Hà Nội sang huyện Văn Giang – Hưng Yên (qua các xã Thắng Lợi, Mễ Sở). Đây sẽ là nút giao thông quan trọng để thông xe đường vành đai 4, giúp trung tâm Hà Nội kết nối với các chùm vệ tinh xung quanh. Trong đó, huyện Văn Giang – Hưng Yên được xác định sẽ là khu vệ tinh sinh thái, không gian xanh với hàng loạt dự án như: Garden city (Thạch Bàn), Ecopark, Long Hưng (Văn Giang), thành phố ven sông hồng…

Thị trường BĐS tại Huyện Văn Giang, Hưng Yên sau thời gian lên cơn “sốt” đã rơi vào tình trạng “đóng băng” trong một thời gian dài. Hiện tại, theo khảo sát của phóng viên PetroTimes giá đất thổ cư tại đây chỉ từ 3 – 3,5 triệu/m2, giảm rất nhiều so với thời gian trước.

Anh Minh Thảo - Trung tâm môi giới bất động sản Văn Giang cho biết: “Sau một thời gian dài “đóng băng”, kể từ khi có thông tin về cầu Mễ Sở số khách hàng tìm đến hỏi mua đất có tăng lên, tuy nhiên giao dịch thành công cũng không được là bao, bởi thời điểm này khách mua vẫn còn ngần ngại chưa dám mạnh tay đầu tư khi chưa biết bao giờ dự án mới được hoàn thành”.

Các chuyên gia nhận định, hiện tại thị trường BĐS đang “ấm” dần lên, cùng với việc trong tương lai các tuyến đường quan trọng như đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường vành đai 4 Hà Nội hoàn thành sẽ là cơ hội cho BĐS vùng ven đô phát triển. Với mức giá hiện tại là 3tr/m2 rẻ bằng 1/4 so với giá nhà ở xã hội. Trong tương lai giao thông đi lại thuận lợi, BĐS vùng ven thực sự sẽ cạnh tranh quyết liệt đối với thị trường nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, việc giãn dân từ trung tâm Hà Nội ra các vùng ven và các địa phương lân cận là xu hướng tất yếu. Bởi trong tương lai không xa, nhu cầu an cư của người dân Việt cũng sẽ giống như người dân ở các nước phát triển, thay vì ở những ngôi nhà chật chội, họ sẽ chấp nhận đi xa hơn một chút để ở một ngôi nhà vườn, một căn biệt thự rộng rãi, thoáng mát.


DiaOcOnline.vn - Theo PetroTimes