Top

Ai bảo vệ quyền lợi người mua nhà?

Cập nhật 16/06/2016 09:45

“Khi dự án xảy ra sự cố, người dân đi kiện ai, ai giải quyết, làm sao tôi biết dự án có đang bị thế chấp hay không, căn hộ đó đã bán cho ai chưa?”.


Cư dân Harmona đưa ra yêu cầu với chủ đầu tư tại cuộc họp gần đây - Ảnh: D.N.Hà

Đó là bức xúc của người mua nhà, đất đưa tới Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người mua nhà, minh bạch hóa thị trường bất động sản” tại TP.HCM ngày 14-6.

Ông Nguyễn Văn Vũ (Q.7, TP.HCM) cho biết mình mua đất của một công ty bất động sản nổi tiếng từ năm 1997 và đã xây nhà cách đây 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chủ quyền nhà đất. Chủ đầu tư trả lời việc cấp giấy do cơ quan nhà nước chậm. Ông Vũ không biết kêu ai, khiếu nại ở đâu.

Người mua nhà: ai bảo vệ quyền lợi của tôi?

Ông Vũ cho rằng trong quan hệ mua - bán căn hộ, nền đất dự án thì chỉ có người mua nhầm chứ người bán không nhầm. Những vụ việc xảy ra trên thị trường gần đây như chuyện một căn hộ bán cho nhiều người, chủ đầu tư chung cư đem nhà đã bán đi cắm ngân hàng, rồi chuyện đưa dân vô ở chung cư xây dựng sai phép để làm “con tin” đối phó với chính quyền...

“Khi mua nhà, đất, người dân chỉ nghe thông tin từ người môi giới và tin tưởng vào các cơ quan chức năng chứ khó có thể làm “người tiêu dùng thông minh”. Trong hợp đồng mua bán, những điều khoản lợi thế luôn thuộc về chủ đầu tư, không thuộc về khách hàng. Có mấy khách hàng hiểu rõ hợp đồng để mà cân nhắc khi mua nhà!”, ông Vũ nói.

Ông Vũ so sánh: người dân mua nhà ở của cá nhân thì có cơ quan công chứng, cơ quan đăng ký kiểm tra các thông tin về thế chấp, giao dịch nên không có tranh chấp về sau.

Nhưng tại sao không quản lý việc mua bán, thế chấp bất động sản trong dự án như đối với nhà ở của cá nhân? Nếu như mỗi lần bán cho dân hay thế chấp đều qua công chứng, qua đăng ký tại cơ quan nhà nước thì làm sao có tình trạng một căn hộ bán cho nhiều người, một dự án vừa bán cho dân, vừa thế chấp ngân hàng?

Ông Vũ cũng đề xuất cần có hợp đồng chuẩn do cơ quan nhà nước thẩm định trước để nhà đầu tư không có cơ hội lừa đảo người mua nhà.

Minh bạch nhiều khâu

Để giảm rủi ro cho khách hàng khi mua nhà, các đại biểu dự hội thảo cùng thống nhất về các biện pháp minh bạch thông tin để người mua nhà có cơ hội trở thành người tiêu dùng thông minh.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết sắp tới sở sẽ công khai thông tin tình trạng pháp lý, tiến độ của dự án. “Đặc biệt, thông tin về thế chấp dự án cũng sẽ được công khai để người mua nhà có thể xem được pháp lý của dự án, theo dõi tiến độ, hạn chế rủi ro”, ông Thắng cam kết.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề nghị phải đưa việc công khai này thành một quy phạm bắt buộc, không nên để xảy ra chuyện có dự án được công khai, có dự án không.

“Phải minh bạch nhiều khâu để bảo vệ quyền lợi người mua nhà” là ý kiến của ông Đỗ Mạnh Khởi, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Theo ông Khởi, Sở Xây dựng phải thông tin rộng rãi trên báo đài tên các dự án nhà ở đã đủ điều kiện được huy động vốn, được bán nhà. Ông cũng ủng hộ việc minh bạch thông tin về giao dịch, thế chấp bất động sản: “Người dân không thể tìm đâu ra thông tin về việc dự án có bị thế chấp ngân hàng hay không. Tôi sẽ tiếp tục đề xuất với Bộ Tư pháp về việc công khai thông tin các dự án nhà ở đang bị thế chấp khi góp ý sửa đổi nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm”.

“Lỗ hổng” ở mọi nơi

TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chỉ ra rằng trong những sự cố của thị trường bất động sản gần đây có những “lỗ hổng” từ ngân hàng, chủ đầu tư và cả khách hàng.

Chủ đầu tư sai vì không giải chấp căn hộ trước khi bán cho người dân, không thông báo với ngân hàng về việc đem tài sản đang thế chấp đi bán, không nhận tiền mua nhà của khách hàng qua tài khoản tại ngân hàng thế chấp, không thông báo cho khách hàng về việc dự án đang bị thế chấp.

Ngân hàng không giám sát tài sản thế chấp, không giám sát dòng tiền của chủ đầu tư khi bán tài sản thế chấp, không kiểm soát khách hàng sau khi cho vay.

Cơ quan nhà nước không thường xuyên rà soát các dự án bất động sản thế chấp, chưa công khai thông tin dự án.

Khi mua nhà, khách hàng chưa tìm hiểu kỹ chủ đầu tư là ai, kinh nghiệm, năng lực ra sao.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ