Top

Ngân hàng khó giảm lãi suất

Cập nhật 22/09/2010 08:55


Việc giảm lãi suất của ngân hàng trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Ảnh: T.Triều
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực vào đầu tháng 10, sẽ khiến cho mục tiêu giảm lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng cực kỳ khó khăn trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo về kinh tế Việt Nam do Ủy ban kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 21-9, ông Nghĩa cho rằng với những quy định về an toàn vốn chuẩn bị có hiệu lực, áp lực về vốn của các ngân hàng thương mại là rất lớn. Cụ thể, ông cho rằng những tỷ lệ an toàn vốn trong Thông tư 13 còn cao hơn cả chuẩn quốc tế Basell III vừa đưa ra vào ngày 12-9-2010.

Theo ông Nghĩa, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) trong Thông tư 13 là 9% trong khi Basell III vẫn giữ ở mức 8%. Điểm mới của Basel III là tăng yêu cầu vốn cấp 1 tức là vốn tự có của ngân hàng từ 4% lên 6% trong đó yêu cầu vốn cổ đông thường (giống vốn điều lệ của Việt Nam) là 4,5%, điều này để nâng cao trách nhiệm của cổ đông ngân hàng. Lộ trình của Basel III bắt đầu từ 1-1-2015 đối với yêu cầu vốn cấp 1 và các quy định mới khác cũng có lộ trình thực hiện đầy đủ từ 1-1-2019.

Trong khi đó, vốn cấp 1 của Việt Nam hoàn toàn là vốn của cổ đông. Như vậy, áp lực tăng vốn cấp 1 của Việt Nam để đáp ứng hệ số CAR mới là rất lớn chưa kể đến việc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ cho đủ mức 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay.

Về các hệ số rủi ro tối đa, Thông tư 13 quy định hệ số là 250% đối với cho vay chứng khoán và bất động sản, không phân biệt cho vay đầu tư chứng khoán hoặc cho vay công ty chứng khoán để làm đòn bẩy, không phân biệt bất động sản đã hình thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai, và cũng không phân biệt rủi ro chất lượng mã chứng khoán.

Trong khi đó, Basel III quy định cho vay các lĩnh vực trên hệ số rủi ro chỉ là 150%. Basel III có lưu ý trong tình huống đặc biệt thì tỷ lệ này có thể nâng cao hơn, như vậy Việt Nam tự đặt mình trong tình huống đặc biệt, ông Nghĩa nói.

Về tỷ lệ cho vay trên huy động được quy định trong Thông tư 13 là 80% đối với các ngân hàng, ông Nghĩa cho biết Basel III không quy định vấn đề này và trên thế giới chỉ có Trung Quốc quy định tỷ lệ này là 75% do thị trường bất động sản của nước này đang nóng. Việc loại trừ tiền gửi không kỳ hạn lẫn vốn tự có của ngân hàng ra khỏi vốn được cấp tín dụng làm cho tỷ lệ cấp tín dụng thực tế của ngân hàng chỉ còn trên dưới 60% nguồn vốn.

Như vậy Thông tư 13 sẽ gây áp lực rất lớn lên nguồn vốn của ngân hàng đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn vì lãi suất cho vay sẽ không giảm được.

Bên cạnh đó, Thông tư 13 sẽ càng làm méo mó các tín hiệu của thị trường tiền tệ do các ngân hàng đang tìm cách lách như biến tiền gửi không kỳ hạn thành có kỳ hạn, vốn ngắn hạn thành vốn trung dài hạn và rủi ro lãi suất có thể tích tụ nợ xấu mà không hiện rõ trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng. “Điều này sẽ khiến cho công tác giám sát ngày càng khó khăn vì các chính sách đưa ra dựa trên những tín hiệu thị trường méo mó và không minh bạch”, ông Nghĩa nói.

Về ý kiến của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, ông Nghĩa cho rằng thể chế nào cũng có khiếm khuyết, nhưng thể chế mạnh sẽ phát hiện sớm và điều chỉnh nhanh, còn thể chế yếu thì ngược lại.

Trong ngày 21-9, Hiệp hội ngân hàng đã có cuộc họp với đại diện các ngân hàng phía Nam, yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống 11%.năm. Tuy nhiên, ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết cuộc họp không đi đến sự đồng thuận được vì các ngân hàng không chấp nhận giảm lãi suất huy động tiền đồng thấp hơn nữa.

"Hiệp hội ngân hàng sẽ đợi xem Thông tư 13 có được sửa đổi không và hướng sửa đổi như thế nào rồi sẽ bàn về vấn đề lãi suất vào kỳ họp sau", ông Hạnh nói.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG