Top

Gỡ vướng trong huy động vốn xây dựng nhà ở thương mại

Cập nhật 15/09/2010 17:10


Có 6 hình thức huy động vốn dành cho các dự án nhà ở thương mại. Ảnh: H.T
Vướng mắc trong huy động vốn xây dựng nhà ở thương mại sẽ được tháo gỡ khi Thông tư 16/2010/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 14/10/2010.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, Thông tư 16/2010/TT-BXD quy định rất chi tiết, cụ thể các hình thức huy động vốn đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Cụ thể, có 6 hình thức huy động vốn dành cho các dự án nhà ở thương mại. Đó là, ký hợp đồng vay vốn của các tổ chức tín dụng, hoặc các quỹ đầu tư; phát hành trái phiếu; ký hợp đồng góp vốn, hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư cấp II để xây dựng nhà ở; ký hợp đồng, văn bản góp vốn, hoặc hợp đồng, văn bản hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân và bên tham gia góp vốn được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu), hoặc được phân chia sản phẩm là nhà ở với tỷ lệ tối đa bằng 20% tổng số nhà ở của mỗi dự án (tính trên dự án cấp I); ký hợp đồng hợp tác đầu tư với doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản và bên tham gia hợp tác kinh doanh được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu), hoặc được phân chia sản phẩm nhà ở với số lượng như trên; ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó trưởng phòng Quản lý nhà ở (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng), đối với trường hợp góp vốn, hoặc hợp tác đầu tư với chủ đầu tư cấp II, chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng sau khi đã giải phóng mặt bằng, dự án đã thực hiện khởi công công trình hạ tầng kỹ thuật và đã thông báo cho sở xây dựng trước ít nhất 15 ngày.

“Đối với trường hợp huy động vốn của các tổ chức, cá nhân (có phân chia lợi nhuận hoặc phân chia sản phẩm nhà ở), chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng góp vốn, hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư sau khi đã có dự án phát triển nhà ở được phê duyệt, dự án đã thực hiện khởi công công trình nhà ở và đã thông báo cho sở xây dựng trước ít nhất 15 ngày”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) giải thích thêm.

Đối với trường hợp hợp tác đầu tư với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng hợp tác đầu tư khi có đủ các điều kiện sau: có dự án nhà ở được phê duyệt, đã thực hiện giải phóng mặt bằng và có biên bản bàn giao mốc giới của dự án. Các doanh nghiệp cần lưu ý rằng, bên tham gia hợp tác kinh doanh nếu được phân chia sản phẩm nhà ở mà có nhu cầu bán, cho thuê nhà ở đó, thì không được trực tiếp ký hợp đồng mua bán, cho thuê, mà do chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng với người mua, người thuê. Nêu đã nhận bàn giao nhà ở và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở, thì bên hợp tác kinh doanh được trực tiếp ký hợp đồng mua bán, cho thuê nhà ở.

Đặc biệt, đối với trường hợp mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán khi có đủ 4 điều kiện: đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong móng của nhà ở, đã làm thủ tục mua bán qua sàn và đã thông báo cho sở xây dựng trước ít nhất 15 ngày.

Cũng theo quy định tại Thông tư 146/2010/BXD, chế tài dành cho các trường hợp huy động vốn trái luật cũng được đề cập. Theo đó, nếu phát hiện chủ đầu tư thực hiện huy động vốn không đúng quy định, sở xây dựng phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dừng việc huy động vốn, hủy bỏ các hợp đồng huy động vốn đã ký và thực hiện lại theo đúng quy định của pháp luật, bên vi phạm bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư