Top

Hàng loạt sai phạm, có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước tại ACV

Cập nhật 07/04/2019 16:00

Tại kết luận thanh tra của bộ Tài chính, hàng loạt sai phạm của ACV đã được kết luận nêu rõ trong việc xây dựng các dự án Cảng Hàng không cho đến sử dụng nguồn vốn có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Mới đây, tại văn bản số 72/KL-TTr của Thanh tra bộ Tài chính về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), sau khi tiến hành kiểm tra, đoàn thanh tra đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của ACV.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV tại thời điểm 31/12/2017 là hơn 21.771 tỷ đồng gồm nợ phải trả ngắn hạn là hơn 7,3 tỷ đồng nợ dài hạn là hơn 14,4 tỷ đồng.

Tại 5 doanh nghiệp được thanh tra, nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2017 là hơn 22,7 tỷ đồng gồm nợ ngắn hạn phải trả với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng; nợ dài hạn phải trả là hơn 14,4 tỷ đồng trong đó nợ phải trả quá hạn là hơn 2,1 tỷ đồng.

Cũng qua kiểm tra, tại dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài do ACV thực hiện đầu tư theo Quyết định số 2499/QĐ-BGTVT và Quyết định số 2863/QĐ-BGTVT của bộ Giao thông vận tải (GTVT), bao gồm các nguồn vốn: vốn NSNN để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB); vốn ACV; vốn vay ODA để đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2.

Dự án đã được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2014, nhưng đến thời điểm thanh tra, ACV chưa nộp vào NSNN chi phí đền bù GPMB số tiền hơn 291,7 tỷ đồng, tương ứng diện tích 419.702,10m² đất giao không thu tiền sử dụng đất.

Thực tế, công tác đền bù, GPMB do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư từ năm 2008 và đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quyết toán kinh phí đền bù, GPMB tại Quyết định số 9200/QĐ-UBND ngày 14/11/2017 với tổng số tiền hơn 627,2 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn NSNN, trong đó: Phần diện tích Nhà ga hành khách quốc tế T2 là 527,1 tỷ đồng; diện tích khu xăng dầu và trạm xử lý nước thải là hơn 89,8 tỷ đồng và diện tích đất 1,5ha là 10,3 tỷ đồng.

ACV vi phạm hàng loạt quy định trong xây dựng các dự án Cảng Hàng không, sử dụng nguồn vốn Nhà nước

Quá trình thanh tra đã phát hiện hai trong số năm doanh nghiệp Nhà nước được thanh tra hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng ACV chiếm hơn 5,5 tỷ đồng của 20 tài sản cố định hữu hình. Nguyên nhân là do ACV xác định thời gian khấu hao tài sản cố định của nhà ga VIP, máy móc thiết bị… không nằm trong khung khấu hao theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC của bộ Tài chính.

Tại công ty CP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) là số tiền hơn 574,5 triệu đồng, nguyên nhân là do Công ty áp dụng khung khấu hao chưa đúng quy định đối với tài sản “Mái hiên mở rộng nhà ga hàng hóa” dẫn đến việc hạch toán tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 số tiền hơn 178 triệu đồng và chi phí đầu tư, nâng cấp sửa chữa tài sản lớn cố định đủ điều kiện ghi tăng nguyên giá nhưng công ty lại hạch toán tăng chi phí số tiền hơn 445,7 triệu đồng, dẫn đến tăng không đúng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh số tiền hơn 396,4 triệu đồng.

Đặc biệt, trong hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của ACV và công ty con, cơ quan thanh tra phát hiện được nhiều khoản thua lỗ. Theo báo cáo của 5 doanh nghiệp được thanh tra, có 2 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn, giá trị đầu tư tại thời điểm 31/12/2017 là hơn 2.722,8 tỷ đồng. Tại Công ty mẹ - Tổng công ty đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm ngày 31/12/2017 là hơn 2.434,5 tỷ đồng (chiếm 11,18% vốn điều lệ) vào một số công ty con; bảy công ty liên kết; bốn danh mục đầu tư khác.

Tuy nhiên, theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, có hai công ty hoạt động chưa hiệu quả, đến thời điểm ngày 31/12/2017 lỗ lũy kế là hơn 21,6 tỷ đồng.

Trong đó, ở công ty CP Đầu tư TCP, giá trị đầu tư của Công ty mẹ - Tổng công ty là 19,8 tỷ đồng, chiếm 18% vốn điều lệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017 lỗ gần 17,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 20,6 tỷ đồng. Tổng công ty đã trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính tại thời điểm 31/12/2017 là 1,3 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ đầu tư vốn của ACV. Nguyên nhân được cho là do công ty mới đi vào hoạt động cuối năm 2016, chậm so kế hoạch của các nhà đầu tư nên chưa có hiệu quả và đang bị lỗ.

Ở công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng, giá trị đầu tư của ACV là 30 tỷ đồng, chiếm 10% vốn điều lệ, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 lãi hơn 10,7 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế hơn một tỷ đồng.

Tại công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), đến thời điểm ngày 31/12/2017 đã đầu tư dài hạn hơn 288,3 tỷ đồng vào 13 công ty, gồm: 5 công ty liên kết và 8 danh mục đầu tư khác.

Năm 2017 có ba công ty hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, gồm: công ty CP Đầu tư - Thương mại Bầu Trời Xanh, giá trị góp vốn của SASCO là hai tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ), lỗ lũy kế gần 262 triệu đồng; công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc, giá trị vốn góp của SASCO là 2,8 tỷ đồng (chiếm 13,31% vốn điều lệ), lỗ lũy kế hơn 4,5 tỷ đồng; công ty Liên doanh CP Nhà Việt (Viethaus), giá trị góp vốn của SASCO là hơn 14,9 tỷ đồng, tương đương 763.285 EUR (chiếm 29% vốn đầu tư 2.632.017,24 EUR), kết quả kinh doanh lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2015 là hơn 13,4 triệu EUR.

DiaOcOnline.vn – Theo Người đưa tin