Top

Hà Nội: Không để tồn đọng kéo dài trong cấp "sổ đỏ"

Cập nhật 04/09/2013 11:51

Hiện vẫn còn 125.000 hồ sơ sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân tại Hà Nội còn tồn đọng, vướng mắc kéo dài trong quá trình xét duyệt cấp giấy chứng nhận.

Hà Nội hiện vẫn còn 125.000 hồ sơ sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân còn tồn đọng, vướng mắc trong việc cấp "sổ đỏ". Ảnh: Hiệp Hòa

Đến nay, thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt là giấy chứng nhận) cho các hộ gia đình, cá nhân đã đăng ký kê khai và đủ điều kiện cấp (với gần 1,1 triệu giấy chứng nhận, đạt trên 96,6%).

Tuy nhiên, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã hiện vẫn còn 125.000 hồ sơ sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân còn tồn đọng, vướng mắc kéo dài trong quá trình xét duyệt cấp giấy chứng nhận. Phần lớn các trường hợp này có nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng, vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền...

Đối với các tổ chức, Hà Nội cũng mới cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật được cho 7.588/19.247 thửa đất cần kê khai, đạt 39,4%. Nhưng bức xúc nhất hiện nay là việc giấy chứng nhận tại các khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn còn rất chậm. Toàn thành phố mới có khoảng 20.000 căn hộ được cấp giấy chứng nhận, trong khi đó tổng số căn hộ đã hoàn thành và đang xây dựng tại các dự án ước gần 500.000 căn hộ.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới những tồn đọng và vướng mắc trên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, quá trình triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thực hiện nhiều văn bản pháp luật từ Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND thành phố, trong khi lượng hồ sơ kê khai cấp giấy chứng nhận này quá nhiều, tính chất lại phức tạp.

Cũng theo lý giải của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, tiến độ cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức trên địa bàn chậm chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức sử dụng đất chưa đầy đủ, mặc dù Sở đã có văn bản thông báo trực tiếp đến từng đơn vị và thông tin trên phương tiện truyền thông. Thực tế, chỉ khi có các nhu cầu liên quan đến sử dụng đất như giao dịch đảm bảo, chuyển nhượng, tách nhập doanh nghiệp hoặc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì các đơn vị, tổ chức mới đến làm thủ tục. Tình trạng các doanh nghiệp đang nợ đọng tiền thuế đất nhiều năm cũng là lý do không đến đăng ký cấp giấy chứng nhận.

Thời gian tới, để tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cấp giấy chứng nhận, không để ách tắc kéo dài. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phối hợp với UBND cấp xã, phường chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai mà không thụ động chờ người sử dụng đất đến làm thủ tục đăng ký như trước đây. Việc xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cấp huyện phải được thực hiện lồng ghép, đồng thời với quá trình thẩm tra, xét duyệt của cấp xã để đảm bảo thời gian cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Tại các dự án phát triển nhà ở, thành phố chỉ đạo trong tháng 9-2013, nếu chủ đầu tư nào không hoàn thành việc kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật đất đai và trách nhiệm đối với chủ dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Hải quan