Top

Cấm đặt tên "Tây": Doanh nghiệp nói gì?

Cập nhật 04/10/2013 16:48

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng soạn thảo đang nhận được nhiều ý kiến góp ý xây dựng. Trong đó, điều 22, nguyên tắc phát triển nhà ở theo dự án quy định: "Tên của dự án phát triển nhà ở, của khu nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt Nam và không được viết tắt".

Quy định mới có khả thi trong bối cảnh hiện nay?

Theo lý giải của một số nhà chức trách, chuyên môn, việc đặt tên dự án theo tiếng nước ngoài có phần lai căng văn hóa, gây khó khăn trong quản lý hành chính và việc đặt tên bằng tiếng Việt cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, thực tế, mỗi dự án đều hướng đến đối tượng khách hàng riêng, mỗi chủ đầu tư có văn hóa và mục tiêu kinh doanh khác nhau nên mức độ ảnh hưởng cũng không thể đánh đồng. Khó khăn trong quản lý hành chính khi có tên tiếng nước ngoài là khó tránh khỏi nhưng tìm cách "né" tiếng nước ngoài trong điều kiện Việt Nam ngày càng "mở cửa" có giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập trong nước với quốc tế?
Bộ Xây dựng, dự án phát triển nhà ở, quản lý hành chính, kinh doanh bất động sản


Dự án The Panorama có nhiều người nước ngoài sinh sống

Đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, mỗi tên dự án đều gắn với thông điệp mà chủ đầu tư muốn gửi đến khách hàng cho dù đó là tên tiếng Việt hay ngôn ngữ khác. Theo nhiều chủ đầu tư, việc đặt tên dự án dựa trên các yếu tố: Định vị sản phẩm, tâm lý khách hàng, điểm khác biệt nổi bật của dự án (Cảnh quan, thiết kế, vị trí…), xu hướng thị trường…Những yếu tố này là một phần không tách rời trong chiến lược marketing cho sản phẩm, dự án đó. Nhìn từ những dự án do Liên doanh Phú Mỹ Hưng phát triển có thể thấy rõ điều này. Dự án Sky Garden được lấy ý tưởng từ vườn cảnh quan trên không (tầng 2); dự án Riverside Residence tọa lạc cạnh sông và có công viên bờ sông; khu biệt thự Phú Gia được đặt cho khu nhà cao cấp nhất vào thời điểm kinh doanh dự án này và hướng đến nhóm đại gia người Việt;…Một trường hợp khác, Nam Long là doanh nghiệp uy tín đã bỏ nhiều tâm lực cho dòng sản phẩm "vừa túi tiền" theo tiêu chuẩn Singapore - E Home. Nói về lý do đặt tên dự án, ông Lê Minh Khánh - Giám Đốc phát triển Kinh doanh Công ty CPĐT Nam Long - cho biết "E Home được xây dựng trên ý tưởng của dòng sản phẩm affordable housing ở nước ngoài. Dòng sản phẩm này dành cho đối tượng có nhu cầu ở thật, tập trung vào người dân có mức thu nhập trung bình và đông nhất của xã hội. Chính vì xây dựng theo ý tưởng và tiêu chuẩn của dòng sản phẩm này của nước ngoài mà chúng tôi đặt tên sản phẩm theo tiếng nước ngoài để thu hút sự quan tâm đầu tư của các tổ chức quốc tế và hướng đến các chuẩn mực riêng cho sản phẩm."

Qua những trường hợp điển hình trên đây, có thể thấy doanh nghiệp hoàn toàn có lý do lựa chọn tên dự án bằng tiếng nước ngoài. Có chăng, những dự án đặt tên theo kiểu a dua, lai căng văn hóa chỉ xuất phát từ những chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp và sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Không được đặt tên bằng tiếng nước ngoài sẽ ảnh hưởng thế nào đến chủ đầu tư dự án? Theo vị đại diện Công ty CPĐT Nam Long: "Quy định này sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các Doanh nghiệp đang kêu gọi vốn hoặc hợp tác cùng các đối tác nước ngoài để triển khai và xây dựng dự án. Thông thường các đối tác nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều muốn đặt tên nước ngoài. Một phần họ muốn khi đầu tư phải hiểu được ý tưởng của sản phẩm (concept), một phần họ muốn theo dõi các giai đoạn truyền thông, sự phát triển của sản phẩm khi đưa ra thị trường. Do đó nếu sử dụng tiếng Việt cho dự án đây là trở ngại khiến nhà đầu tư nước ngoài ngay từ lúc bắt đầu tiếp xúc đã cảm thấy không thoải mái và ảnh hưởng đến sự hợp tác của họ với các Công ty trong nước." Cũng cần nói thêm, để một sản phẩm như E Home để lại dấu ấn trong tâm trí khách hàng thì chủ đầu tư phải có chiến lược lâu dài, nhất quán với ngân sách không nhỏ. Nếu phải làm lại từ đầu một thương hiệu mới thì chi phí truyền thông cũng sẽ thêm gánh nặng chi phí cho chủ đầu tư.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó TGĐ Phú Mỹ Hưng chia sẻ: "Việc hạn chế đặt tên bằng tiếng nước ngoài, hay nói cách khác là chỉ sử dụng tiếng Việt để đặt tên cho các dự án có thể gây khó khăn trong việc diễn đạt đặc điểm, tính chất, vị trí địa lý của dự án. Ví dụ như dự án Sky Garden và Riverside Residence nếu đặt tên theo tiếng Việt là "Khu vườn trên không" và "Khu dân cư ven sông" thì dài dòng và không thể hiện được hết đặc điểm của dự án này."

Về phía khách hàng, đặc biệt là người nước ngoài, việc đặt tên dự án bằng tiếng Việt sẽ gây nhiều khó khăn đối với họ, đồng nghĩa với chiến lược tiếp thị của chủ đầu tư cũng không dễ dàng gì. Đối với người Việt, việc chọn mua một sản phẩm bất động sản có giá trị lớn không đơn thuần chỉ dựa vào cái tên mà họ đủ sáng suốt để tìm hiểu chất lượng, uy tín chủ đầu tư…trước khi quyết định. Và chuyện sính ngoại, vấn đề cốt yếu nằm ở chất lượng hàng gắn "mác" nội với hàng "mác" ngoại ai tốt hơn hay vấn đề ở cái tên?

Từ thực tế đó, đại diện Novaland kiến nghị nên để doanh nghiệp chủ động đặt tên dựa trên ý tưởng của dự án và định vị, phân khúc khách hàng. Đồng quan điểm, vị đại diện Nam Long đề xuất: "Bộ Xây dựng chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp đặt tên dự án theo tiếng Việt, chứ không nên cấm đặt tên bằng tiếng nước ngoài. Bởi mỗi Doanh nghiệp với một chiến lược kinh doanh riêng cần sử dụng tên dự án vào mục đích đầu tư, truyền thông, làm thương hiệu của mình. Nam Long có rất nhiều dự án từ trung cấp đến cao cấp đặt tên tiếng Việt chứ không hề vì sính ngoại mà đặt tên sản phẩm bằng tiếng nước ngoài. Người mua nhà rất thông minh. Cái tên chỉ là phần đưa họ tìm đến sản phẩm nhưng chất lượng thật, uy tín chủ đầu tư mới là yếu tố để họ đưa ra quyết định cuối cùng."

Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, đây là giai đoạn mà khách hàng, chủ đầu tư rất cần những chính sách, quy định mới để gỡ khó từ các cơ quan chức năng. Thiết nghĩ, việc đặt tên dự án, thị trường sẽ tự động điều chỉnh phù hợp quy luật phát triển khi các yếu tố văn hóa, dân trí và tư duy của khách hàng thay đổi.

DiaOcOnline.vn - Theo VietnamNet