Top

Doanh nghiệp thép lo ngại thép nhập từ ASEAN

Cập nhật 24/06/2009 09:35

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hiện đang lo ngại một lượng lớn thép cuộn nhập ồ ạt từ các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… với giá thấp hơn giá trong nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 6 tháng đầu năm, cả nước nhập khoảng trên 200.000 tấn thép cuộn xây dựng, trong đó thép từ các nước ASEAN chiếm trên 70%.

Ông Nghi cho biết thép cuộn từ các nước ASEAN nhập vào Việt Nam với mức thuế nhập khẩu 0%, được tiêu thụ ở các tỉnh thành phía Nam với giá khoảng 9,9 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép xuất xưởng của các doanh nghiệp trong nước đang dao động ở mức 10,3 - 10,8 triệu đồng/tấn (chưa có thuế giá trị gia tăng).

“Việc nhập khẩu thép cuộn ồ ạt từ các nước ASEAN trong thời gian gần đây với giá thấp hơn giá trong nước khiến việc sản xuất, tiêu thụ thép của doanh nghiệp sản xuất thép trong nước gặp nhiều khó khăn”, ông Nghi nói.

Theo ông Nghi, hiện VSA đang khuyến cáo các doanh nghiệp không nên nâng giá thép cuộn lên cao nữa, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho thép ASEAN nhập vào Việt Nam càng nhiều hơn. Đồng thời, VSA cũng đang kiến nghị hải quan tăng cường kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ thép cuộn nhập khẩu từ ASEAN.

Theo quy định, thuế suất thép cuộn nhập khẩu giữa các nước ASEAN là 0% nếu đáp ứng yêu cầu: thép được sản xuất hai công đoạn (tự sản xuất phôi và cán ra thép thành phẩm), hoặc thép cuộn xuất khẩu phải có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%.

Về tình hình tiêu thụ thép xây dựng trong nước, ông Nghi cho biết tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 2,2 triệu tấn, bằng với mức tiêu thụ cùng kỳ năm 2008. Đặc biệt sức tiêu thụ thép tăng khá mạnh trong thời gian 2 tháng trở lại đây.

Theo dự báo của VSA, nếu nhu cầu xây dựng tiếp tục tăng trong các tháng còn lại, khả năng tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ của cả nước trong năm 2009 sẽ đạt 4,6 triệu tấn, tăng 3% so với mức tiêu thụ năm 2008. Ngoài ra, nếu giá phôi nhập khẩu trên thế giới từ đây đến cuối năm không biến động nhiều và giữ giá khoảng 450 đô la Mỹ/tấn, giá thép trong nước cũng sẽ không có nhiều biến động.

Phân tích về sự phân bổ mức tiêu thụ thép xây dựng theo vùng, VSA nhận định do nhịp độ xây dựng khu vực phía Bắc tăng trở lại những tháng gần đây khiến mức tiêu thụ thép khu vực này chiếm 51% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Trong khi đó, mức tiêu thụ thép xây dựng khu vực miền Nam chiếm 35% và thấp nhất là khu vực miền Trung chỉ chiếm 11%; 3% còn lại dành cho xuất khẩu.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG