Trong quỹ di sản của Thăng Long Hà Nội, có di sản của người Pháp để lại. Đó là khu phố Pháp với quy mô rộng lớn, khoảng 800 ha đất, cần phải được bảo vệ, tôn tạo. Tuy nhiên, ở khu phố này cũng đang cảnh báo việc tránh xen cấy các công trình đồ sộ bất hợp lý, các cao ốc cục bộ hoặc rải rác làm phá vỡ các giá trị của kiến trúc đô thị.
Báo HNMO đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Việt Pháp Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về vai trò quy hoạch - kiến trúc của khu phố Pháp ở Hà Nội và các giải pháp bảo tồn khi phát triển Thủ đô.
* Thưa ông, khu phố Pháp đã được hình thành như thế nào?
Trong quá trình phát triển gần 1000 năm Thăng Long Hà Nội, mặc dù giai đoạn người Pháp ở Hà Nội chỉ khoảng hơn nửa thế kỷ nhưng đã để lại cho Thủ đô một khu phố Pháp với quy mô rộng lớn.
Thực tế, người Pháp đến Hà Nội từ năm 1873 song phải gần 15 năm sau, khi đã thực sự bình định và làm chủ được Hà Nội, họ mới có những dự định và quy hoạch xây dựng mới cùng với kế hoạch khai thác thuộc địa. Nhiều công trình truyền thống có giá trị của đô thị phong kiến bị phá hủy song người Pháp cũng đã từng bước tạo cho Hà Nội nhiều khu chức năng, công trình mới theo cơ cấu đô thị hiện đại. Kể từ đây, đô thị Hà Nội song song tồn tại hai hình thái khác biệt nhau nhưng có ảnh hưởng lẫn nhau và hài hòa về cấu trúc cũng như tổ chức không gian.
Qua các bản đồ về quy hoạch xây dựng còn lưu giữ và khảo sát thực trạng cho thấy khu phố Pháp tồn tại đến nay có quy mô khoảng 800 ha; bao gồm khu Ba Đình 230 ha; khu phía Đông hồ Trúc Bạch 80 ha; khu Nam phố cổ (khu hành chính thương mại bao quanh hồ Gươm) 470 ha.
* Quy hoạch - kiến trúc khu phố Pháp đã để lại những dấu ấn quan trọng nào trong quỹ di sản đô thị của Hà Nội?
Về quy hoạch tại khu phố Pháp khá hiện đại với mạng lưới giao thông kiểu ô bàn cờ, chia ra những lô đất có chức năng riêng. Đặc biệt, trong quy hoạch có liên kết đến yếu tố truyền thống của đô thị cổ. Ví như yếu tố về cây xanh (cây xanh trong các vườn nhà ở, cây xanh trong các vườn hoa con cóc, những dải cây liên hoàn hai bên đường phố, có những đường phố với những loại cây riêng biệt…), mặt nước, hệ thống không gian công cộng. Yếu tố khí hậu và yếu tố không gian xanh công cộng đã được người Pháp kết hợp với giải pháp quy hoạch hiện đại, tạo ra một khu phố Pháp mang nét đặc trưng của Hà Nội. Đó là lợi thế về quy hoạch.
Bên cạnh đó, về công trình, sau khi đến Hà Nội, người Pháp đã có những giải pháp hợp lý, tìm ra những phương án, để xây dựng những công trình có giá trị mang kiến trúc Pháp gốc như gần 500 ngôi biệt thự, Nhà hát lớn của thành phố, nhà khách Chính phủ, Phủ Chủ tịch...
Bên cạnh đó, còn một loại công trình nữa, mang dấu ấn thành công của người Pháp, kết hợp giữa kiến trúc hiện đại với kiến trúc Á Đông. Đó là, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Trụ sở Tổng cục Thể dục Thể thao phố Trần Phú… Ngoài ra, có một dòng kiến trúc nữa, người Pháp đã mang đến Hà Nội là kiến trúc hiện đại của thế kỷ 19, 20 như công trình Ngân hàng Nhà nước, Bưu điện quốc tế bờ hồ Hoàn Kiếm…
Có thể thấy, kiến trúc được hiểu là một đặc trưng của văn hóa. Trong quỹ di sản đô thị của Hà Nội, văn hóa và kiến trúc Pháp là một yếu tố quan trọng, được lịch sử, xã hội công nhận.
* Trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội đang diễn ra nhanh chóng, theo ông làm thế nào để bảo tồn, tôn tạo được khu phố Pháp ở Hà Nội; nhất là trong bối cảnh tư tưởng chỉnh trang, xen cấy các công trình kiến trúc bị lạm dụng. Ngay ở Hồ Gươm, những công trình như Hàm Cá Mập, Khách sạn vàng, dự án Trung tâm thương mại tài chính EVN… đã có lúc định biến Hồ Gươm thành “cái ao làng”?
Theo tôi, cần thận trọng khi xen cấy những công trình mới, những công trình quá lớn làm mất đi không gian, kiến trúc đô thị, bóng dáng vốn có của khu phố Pháp.
Thực tế, khu phố Pháp có ý tưởng quy hoạch tốt nhưng chưa hoàn thiện. Hà Nội trước đây là thành phố thuộc địa, thành phố tiêu xài, bây giờ chuyển sang một đô thị dịch vụ - công nghiệp, phải điều chỉnh lại một số chức năng, nhưng vẫn phải gắn kết với quy hoạch trước đây. Ví dụ như khu phố Pháp trước đây đã được thiết kế với hệ thống giao thông cấp thoát nước thích hợp với quy mô dân số của thời gian đó (khoảng 40 vạn dân vào năm 1954).
Đến nay, thành phố phải có chương trình cải tạo, gắn kết với phân bố điều chỉnh lại dân cư cho hợp lý. Hiện tượng ách tắc giao thông, ngập lụt, thiếu chỗ đỗ xe ô tô, xe máy, thiếu các tuyến đi bộ… chỉ có thể giải quyết được khi đồng thời vừa cải tạo, vừa phân bổ lại dân cư.
Đạ dạng hình thái kiến trúc là một đặc trưng của Hà Nội, trong sự đa dạng đó có sự hài hòa. Cụ thể như xung quanh khu vực Hồ Gươm, có nhiều phong cách kiến trúc; phong cách cổ của công trình Công an quận Hoàn Kiếm, Báo Hà nội mới; mang kiến trúc mới như nhà Bưu điện, UBND Thành phố…
Tất cả hài hòa trong bối cảnh cây xanh, mặt nước. Việc xen cấy những công trình mới, như chợ Hàng Da, chợ Hôm mới, kể cả những công trình nhỏ, lẻ… phải có sự nghiên cứu. Chúng ta không nên đổ lỗi cho người quản lý hay nhà đầu tư. Muốn làm tốt quy hoạch - kiến trúc đô thị phải có trách nhiệm cộng đồng của cả ba nhà: nhà thiết kế, nhà đầu tư và nhà quản lý.
Việc cải tạo, chỉnh trang là xu thế tất yếu song trước hết cần phải xác định các yếu tố bảo tồn (cơ cấu quy hoạch, không gian đô thị, xác nhận công trình kiến trúc có giá trị). Để không phá vỡ cảnh quan, không làm mất đi bản sắc văn hóa Thăng Long Hà Nội gần 1000 năm tuổi, thành phố cần có quy chế quản lý chặt chẽ khu phố cổ, khu phố Pháp, hệ thống các di tích… với sự tham gia của cộng đồng các nhà chuyên môn đã nghiên cứu cho khu đô thị này và đang nghiên cứu tổ chức không gian khi Hà Nội mở rộng.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Hà Nội Mới