Quĩ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi tại TP.HCM (gọi tắt là Quĩ 156) đã hoạt động gần một năm qua. Hiện tại có hàng ngàn hộ dân cần vay vốn để làm ăn trong khi Quĩ 156 thì đang kêu hết vốn!
Thống kê tại 18 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cho thấy hiện có 335 dự án bồi thường dở dang với tổng số gần 72.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có khoảng 60.000 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ của Quĩ 156 (diện tích bị giải tỏa từ 30% trở lên).
Sau gần một năm thực hiện, quĩ đã duyệt cho hơn 3.400 đơn vay với tổng số tiền trên 61 tỉ đồng, trong khi nguồn quĩ mới hơn 55 tỉ đồng. Hiện còn hàng ngàn hồ sơ tồn đọng (chưa được duyệt vay vốn) và hàng chục ngàn hộ dân khác thuộc diện được hỗ trợ chưa được tiếp cận nguồn vốn từ quĩ này.
Cần "nóng" 100 tỉ đồng
Mới đây, hội đồng quản lý Quĩ 156 cho biết nguồn vốn của quĩ đã cạn trong khi nhu cầu vay của người dân ngày càng nhiều. Để duy trì hoạt động của quĩ, đồng thời cấp vốn cho người dân bị thu hồi đất đã nộp hồ sơ nhưng chưa được vay, đơn vị này đã phải "cầu cứu" đến UBND TP xin bổ sung từ nguồn ngân sách 100 tỉ đồng. Hội đồng quản lý quĩ cũng đề nghị TP quyết định mức thu và phương án đóng góp từ các dự án bồi thường dở dang và chủ đầu tư các dự án mới để bổ sung nguồn vốn cho quĩ.
Tuy nhiên, với 100 tỉ đồng cũng chưa thể giúp Quĩ duy trì hoạt động lâu dài. Chỉ riêng lượng hồ sơ tồn đọng, Quĩ 156 cho biết đang cần ít nhất 70 tỉ đồng để cấp vốn cho dân. Trong khi các dự án cũ chưa giải quyết xong thì số lượng lớn hộ dân bị giải tỏa từ dự án mới sẽ khiến nhu cầu vay vốn tăng lên.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ nay đến năm 2010 trên địa bàn TP có thêm khoảng 40.000 hộ dân bị giải tỏa từ 400 dự án. Riêng năm nay có khoảng 20.000 hộ dân bị giải tỏa từ các dự án trọng điểm của TP như khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án cầu Phú Mỹ, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây...
Trước đây chỉ cần nộp hồ sơ trong vòng một tháng là người dân được vay tiền, nhưng hiện nay các hộ dân phải chờ nhiều tháng mà chưa thấy phản hồi. Theo lãnh đạo một phường tại quận 4, phường đã nộp gần 40 hồ sơ vay vốn của người dân từ năm tháng qua nhưng đến nay chỉ phân nửa trong số đó được cấp vốn. Quận Tân Phú cũng nộp chưa đến 10 hồ sơ nhưng đến nay chưa thấy gọi lên nhận vốn, các hộ dân có hồ sơ vay cứ gọi điện liên tục lên quận để hỏi thăm...
Tăng vốn bằng cách nào?
Theo quyết định 156 của UBND TP, nguồn vốn của Quĩ 156 bao gồm từ nguồn ngân sách TP cấp ban đầu, khoản đóng góp của chủ đầu tư dự án (do Nhà nước thu hồi đất). Trong trường hợp nguồn vốn của quĩ không đủ đáp ứng nhu cầu vay của người dân thì có thể huy động từ các nguồn tín dụng khác để cho vay và được TP bù lãi suất. Thế nhưng đến nay, sau gần một năm triển khai, ngoài nguồn vốn "mồi" ban đầu của UBND TP là 50 tỉ đồng, chỉ có Ban quản lý dự án khu vực đầu tư xây dựng quận 4 góp thêm hơn 5,5 tỉ đồng vào quĩ.
UBND quận 4 cho biết các dự án có vốn góp vào quĩ chủ yếu là các dự án công ích, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước nên khi được TP cấp, quận trích lại nộp quĩ ngay. Những dự án tại các quận, huyện khác dường như chưa đề cập đến chuyện này.
Theo Sở Tài chính, hiện TP có khá nhiều dự án mới được duyệt hoặc đang triển khai, trong đó có nhiều dự án qui mô lớn. Lãnh đạo sở này cho rằng với dự án có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng thì chỉ cần trích 5% thì đã có 50 tỉ đồng nộp vào Quĩ 156. Nếu tất cả dự án trên đều đóng góp vào quĩ theo qui định sẽ đảm bảo nguồn vốn cho quĩ hoạt động. Nhưng làm cách nào để các doanh nghiệp tự nguyện trích tiền ra để góp vào quĩ, nhất là các dự án có vốn ngoài ngân sách?
Sở Tài chính cho biết sắp tới sẽ đề nghị các cơ quan liên quan rà soát theo dõi để thúc đẩy việc đóng góp vào quĩ, tạo nguồn vốn phong phú hơn. Nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài, để Quĩ 156 hoạt động hiệu quả, nên tìm kiếm các nguồn vốn khác để bổ sung như sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, tổ chức phi chính phủ...
Theo quyết định 156, đối tượng hỗ trợ của Quĩ 156 là các hộ dân bị giải tỏa tại các dự án do Nhà nước thu hồi đất, có giấy tờ nhà đất hợp pháp, hợp lệ, có hộ khẩu tại TP.HCM, gốc TP hoặc có đủ điều kiện nhập hộ khẩu tại TP theo qui định. Mỗi lao động được vay không quá 10 triệu đồng, mỗi hộ không quá 30 triệu đồng. Riêng người đi xuất khẩu lao động được vay không quá 50 triệu đồng/hộ.
Các trường hợp vay ngắn hạn (buôn bán, kinh doanh dịch vụ...) thời hạn vay tối đa là hai năm. Các dự án vay trung hạn (chăn nuôi, trồng trọt...) và đi xuất khẩu lao động tối đa ba năm. Lãi suất cho vay ưu đãi là 2%/năm. Ngoài ra các hộ bị giải tỏa có con em là học sinh, sinh viên đang học tại các trường học, đang học nghề cũng được xem xét hỗ trợ học phí...
Theo Tuổi Trẻ