Top

Buôn xác nhà

Cập nhật 02/05/2008 09:00

Trong khi giá cả vật liệu xây dựng leo thang và nhu cầu phá nhà cũ để xây mới vẫn tăng, thì vẻ như nghề buôn xác nhà đang phát tài. Cái nghề chuyên đi phá nhà người khác rồi lấy đồ cũ từ xác nhà đó đem bán...

Săn nhà nát

Những ngày này, đường Huỳnh Thiện Lộc, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM đang trở thành "đại công trường". Hàng loạt nhà dọc hai mặt tiền đường đã và đang được đập đi, thụt vô trong khoảng 1 mét; đập xong liền được xây mới lại. Bởi theo quy hoạch, con đường này sẽ được mở rộng. Cứ thế, nhà nọ làm, nhà kia noi theo, nhà được phá và xây mới hàng loạt. Góp phần không nhỏ vô “đại công trường” này là những tay buôn nhà nát.

Cuối đường, gần mép kênh cắt với đường Trịnh Đình Trọng, tôn cũ, gạch cũ đang được xếp thành đống bên cạnh hai xác nhà đã được dọn sạch bong. Anh thợ tên Trung hồ hởi khoe: "Mới dọn nhà này đó, nhà kế đang tính kêu dọn luôn, nếu rảnh thì chiều tôi ghé". Trung nhìn sang đống tôn, gạch và bảo đống "xà bần" này là tiền, không phải vứt đi đâu. Anh đang kêu xe ba gác ở chợ lạc xoong ngoài Hàm Tử, Q.5 vô để bán. Ngoài tiền công đập phá hai xác nhà trên, Trung ăn thêm tiền bán đồ cũ, khoản đó mới đáng kể chứ tiền công đập phá chẳng bõ bèn gì. Tôi nói, đang tính đập cái nhà ở chung cư Nguyễn Kim bên Q.10 để sửa lại, Trung bảo "phải đến xem mới tính tiền được" và nếu cần sẽ "bao công chuyển rác, xà bần từ lầu 3 xuống đất", chở đi đâu chủ nhà không cần biết, miễn là đồ cũ đập được từ nhà phải để lại cho Trung mua.



Bồn tắm được "lột" ra từ
xác nhà cũ.

Tìm ra Q.5, đoạn gần bưu điện quận, chợ lạc xoong lớn nhất thành phố về "ngành hàng" vật liệu xây dựng cũ, tôi được những người chở xe ba gác "tiếp đón" rất nồng hậu: "Đập nhà hả, chơi luôn, bao hết, cái gì cũng mua". Tôi tả qua hiện trạng căn nhà gần 70 mét vuông, sàn lát gạch bông 40x40 cm, có hai bộ cửa bằng sắt và gỗ, hai bộ cửa sổ nhôm kính; nhà có bếp lát đá hoa cương, cửa bếp lùa bằng nhôm...

Mấy anh ba gác coi bộ sành nhà chung cư cũ nên nhẩm tính và ra giá rất nhanh: "Ba "chai" (3 triệu - PV), bao công chuyển xà bần, bao đập luôn toa-lét". Theo họ thì để "dọn" căn hộ này chưa hết 3 ngày với 8 người thợ. Nền nhà sẽ được lột sạch lấy gạch bông, cửa chính, cửa sổ, dây điện, đồ nhựa, nhôm phế liệu sẽ được "lột sạch sẽ", kể cả cái bệ xí hay gương soi trong toa-lét...

Hỏi một câu rất "vô duyên" rằng đồ cũ lấy làm gì thì mấy anh ba gác quạu: "để bán chứ làm gì cha" rồi hối, hỏi ngày nào thì đến làm được, cho thợ lên luôn.

Nghề cũ, tiền "mới"

Chưa thể định hình được giá xác nhà mình, tôi mua thêm tờ Mua Bán, lật đến mục "dịch vụ xây dựng". Hóa ra, vụ "mua xác nhà" cũng được quảng cáo nhiều bên cạnh các dịch vụ khác như "sửa mới, thông cầu, hút cống, trang trí nội thất nhà...". Nhiều mẩu quảng cáo rất ấn tượng như "nhận mua nhà nát, bao đập và vận chuyển, đặc biệt nhận ít, không ngại xa...".

Gọi cho một số mối này, tôi nhận được phản hồi tương đối giống nhau: Họ sẽ nhận đập nhà, bao vận chuyển xà bần với điều kiện phải cho lại đồ cũ. Nếu chỉ tính công đập phá, vận chuyển mà không cho mua lại đồ thì không mối nào mặn mà hoặc ra giá tiền công rất cao. Đến lúc này, tôi mới tin lời tư vấn của một anh bạn rằng, "đập nhà cũ đi, ông còn có thêm tiền".

Tìm hiểu sâu về cái nghề có vẻ cũ kỹ, bụi bặm này mới biết nó xuất phát từ "chiêu" làm ăn có từ xa xưa của người Hoa, chủ yếu sống quanh khu vực Q.5: Buôn đồng nát! Ai cũng biết rằng từ vài chục năm trước, "đồng nát", chủ yếu là phế liệu đồng, nhôm được săn đón nhiều. Sau này, khi đồng nát bị gom hết để chuyển qua các cửa khẩu đi Trung Quốc thì nghề ve chai mới nổi lên; và buộc phải mở rộng "mặt hàng" sang cả đồ nhựa, tôn, thủy tinh, sắt thép cũ... Khi đó, những phế liệu này không cần "xuất khẩu" nữa mà đã chạy loanh quanh trong các xưởng gia công ở thành phố để tái chế, phục vụ nhu cầu sử dụng ngay trong nội địa.

Một lần nữa, những tay buôn xác nhà phải "học việc" người Hoa khi biết rằng từ sau giải phóng, những công xưởng, xí nghiệp, kho bãi đã được thợ người Hoa săn lùng rất kỹ càng. Để làm gì? Nhà xưởng cũ phải đập đi xây mới phục vụ cho nhu cầu phát triển, trong đó có rất nhiều đồ đồng nát! Điển hình trong số này là việc người Hoa đã tinh ý, săn được nhiều nhà hát, rạp chiếu phim cũ. Tại đó, có rất nhiều đồ đồng như máy hát, máy lạnh, dây điện... Săn được những món hàng này, chủ mua có thể kiếm lời 5 - 7 lần. Chỉ sau khi đã "dọn" sạch những nguyên liệu này, người ta mới chú trọng nhiều đến nguồn vật liệu bình dân hơn như ngói, gạch, gỗ cũ...

Cho đến giờ, buôn xác nhà đã trở thành nghề, nhiều người trong ngành xây dựng đã biết, tính cạnh tranh cao hơn và lợi nhuận đã không còn được như xưa. Nó trở nên phổ biến bởi nhu cầu về vật liệu xây dựng giá rẻ đang đòi hỏi cấp bách.

Đời thợ

Ngồi khề khà uống bia, nhìn sang bên kia đường mà Đ. cũng tính được đập căn nhà đó kiếm được bao tiền: "Coi vậy chứ chẳng được nhiêu đâu". Căn nhà hai gác, một trệt, dưới mở quán nhậu, Đ. ngó qua cột kèo rồi phán: "Gác đúc giả kìa, cột kèo có nhiêu đâu, "ăn" được mấy cái lan can, vài bộ cửa, cái mái tôn là hết". Vất vả lắm, tôi mới "gài độ" được cuộc nhậu này bởi Đ. rất bận. Qua Tết, nhu cầu xây dựng nhiều, Đ. đi tối ngày. Không cần quảng cáo thì Đ. vẫn nhận được vô số lời mời sửa chữa, xây dựng mới, làm không hết việc.

Mười hai năm trước, Đ. từng nổi danh ngoài chợ lạc xoong Hàm Tử khi nhận thầu đập một căn nhà gỗ mặt tiền đường Trần Hưng Đạo. Căn nhà 8 mét mặt tiền, sâu 30 mét, hai tầng một trệt chủ yếu là gỗ và gạch được xây từ thời Pháp. Lần đó, Đ. quản 40 tay thợ, đập ròng rã ngày đêm suốt một tháng trời. "Đập nhà nguy hiểm, không khéo là công nhân té gãy giò, phải bắc giàn giáo, từ lầu trên, tháo ngói, tháo gỗ, đập vách; rồi mới đập sàn; cứ thế dỡ từng lầu một". Đ. vẫn nhớ được rằng, lần đó bán hết đồ cho ông Sáu "lùn" ở đường Hàm Tử, riêng gạch cũ, chẻ ra bán được hai xe lớn. Gỗ thì bao la, "cả ngàn cây gỗ, cỡ 10x20 phân, dài 4 đến 6 mét". Anh hể hả: "Bán một cây gỗ nhậu hai ngày chưa hết tiền".

Đến giờ thì Đ. không nhớ nổi mình đã đập đi bao căn nhà nữa, nhưng anh nói rằng: "Cũng chừng đó việc thôi, đến xem nhà, định giá, thỏa thuận giá cả, kêu thợ đến đập, lột đồ cũ, kêu ngoài chợ vô mua". Đ. bảo làm cái nghề này cũng phải quan hệ tốt với chính quyền địa phương, dân phố chòm xóm để họ tạo điều kiện cho mình tháo dỡ, vận chuyển. Làm tốt, nhà này còn mách nhà kia, kêu mình làm luôn. Như đợt Đ. nhận mua nhà nát, xây sửa mới bên Q.8, làm xong thấy đẹp, nhà kế kêu làm giùm, rồi nhà kế nữa lại kêu làm tiếp.

Có một lần mua nhà nát mà Đ. còn nhớ mãi: Lần đó, có căn nhà cháy ở hẻm đường Bà Hạt, Q.10, rộng 16 mét vuông, ba tầng đúc giả. Trước đó, chủ nhà này khóa cửa đi vắng, trong nhà phát hỏa, cháy rụi hết đồ, cháy lan cả sang nhà bên. Nhiều đồ cũ trong nhà cũng cháy hết, có người sang dập lửa còn nhặt được cả vàng. Đến đập nhà mà Đ. còn được chủ nhà "tặng quà" bằng cách cho hết đồ cháy như máy may, đồng hồ, máy chụp hình, thậm chí cả xe Honda.

Theo Thanh Niên