Nhu cầu xi măng năm nay của cả nước ước 41 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực sản xuất hiện có khoảng 42 triệu tấn, chưa kể 10 nhà máy sắp đi vào hoạt động với công suất 10 triệu tấn.
Năm 2012, sản xuất xi măng trong nước dự tính đủ đáp ứng nhu cầu đến 2020.
Không chỉ lo ngại nguy cơ khủng hoảng thừa, các chuyên gia còn cho biết, nếu không kiểm soát tốt, “phong trào” xây nhà máy xi măng theo kiểu “mạnh ai nấy làm” tại nhiều địa phương sẽ gây lãng phí, làm cạn kiệt nhanh hơn tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Cung vượt cầu 10 triệu tấn
Theo ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, năm 2009, Tổng Công ty chỉ dự kiến sản xuất và tiêu thụ khoảng 16 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2008. Mục tiêu khiêm tốn này xuất phát từ dự báo nhu cầu giảm, trong khi nguồn cung sẽ tăng rất mạnh.
Ông Chung cho biết, ngoài 31 nhà máy xi măng lò quay hiện có, năm nay sẽ có thêm 10 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế 10 triệu tấn. Như vậy, trong năm, lượng cung vượt cầu khoảng 10 triệu tấn. “Theo tính toán, đến năm 2012, sản xuất xi măng trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đến năm 2020. Trong khi đó, khả năng xuất khẩu rất khó khăn”, ông Trung lo ngại và kiến nghị, trước mắt, nên tạm ngừng phê duyệt các dự án xi măng mới, tập trung vốn cho kích cầu tiêu dùng và phát triển hạ tầng.
Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, nhận định: “Thừa xi măng trong nhiều năm tới là điều có thể nhìn thấy. Điều này thể hiện tầm nhìn quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng chưa tốt”. Ông Huynh phân tích, việc đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng hiện cũng rất bất hợp lý, khi miền Bắc tập trung quá nhiều, nhất là các địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa..., còn miền Nam lại rất thiếu.
“Cần nhanh chóng rà soát các dự án xi măng, xem cái nào hiệu quả, cái nào không hiệu quả. Mặt khác, cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án xi măng khu vực phía Nam như Bình Phước, các trạm nghiền xi măng Long An, Quận 9..., tránh tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu”, ông Huynh nói.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ đã tiến hành rà soát các dự án xi măng trên toàn quốc. Về cơ bản, các dự án đều đảm bảo đúng tiến độ và các yêu cầu đầu tư. Chỉ có một, hai dự án bị đình chỉ vì cố tình chậm triển khai hoặc dây chuyền thiết bị không đảm bảo chất lượng, công suất thấp.
“Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành không đăng ký dự án đầu tư dự án xi măng từ nay đến năm 2015, nhằm phát huy hết công suất thiết kế của các dự án đã được phê duyệt”, ông Nam nói.
Liên quan đến những dự báo về việc dư thừa với khối lượng lớn xi măng trong những năm tới, ông Nam khẳng định, không nên quá lo lắng, bởi gói kích cầu mà Chính phủ đã công bố chắc chắn tác động tích cực đến sản xuất, tiêu dùng, phát triển hạ tầng. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng mạnh.
Quan trọng hơn, theo ông Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu phương án xây dựng một số dự án đường giao thông, đường cao tốc bằng xi măng. Cũng theo ông Nam, ý tưởng này đã có từ lâu, song bây giờ mới là thời điểm chín muồi. Trước đây, công suất xi măng trong nước thấp nên phương án này không thể triển khai được.
“Việc xây đường cao tốc bằng xi măng không những giải quyết tốt tiêu thụ sản xuất và tiêu thụ xi măng trong nước mà còn hạn chế nhập khẩu nhựa đường. Vì thế, không nên lo dư thừa xi măng”, ông Nam khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt