Top

Vỡ quy hoạch vì 'cơi nới' biệt thự

Cập nhật 03/08/2018 10:42

Nhiều khu đô thị mới đang đối mặt nguy cơ bị phá nát quy hoạch kiến trúc đồng bộ do “nạn” cơi nới nhà biệt thự.


Căn biệt thự số 64-BT4-X2 ở KĐT Bắc Linh Đàm cơi nới chiều cao, kiến trúc khác biệt với những căn biệt thự khác - ẢNH: LÊ QUÂN

Nới sàn, thêm tầng, ghép đất nền...

Ngang qua khu đô thị (KĐT) Viglacera Xuân Phương (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi biệt thự “khủng” màu trắng ven hồ ở đường XP4. Trong khi những căn biệt thự ở KĐT này đều chỉ có 3 tầng, mái vát thì ngôi biệt thự này cao 5 tầng, kiến trúc khác biệt hoàn toàn.

Ông Trần Văn Diên, Đội phó Đội thanh tra xây dựng Q.Nam Từ Liêm, cho biết chủ nhà trên đã mua 3 căn biệt thự, mỗi căn rộng hơn 200 m2 rồi hoàn thiện thành 1 ngôi biệt thự với kiến trúc, tầng cao, diện tích khác biệt. “Khoảng thoáng giữa những căn biệt thự nhỏ cũng bị chủ nhà biến thành diện tích sàn sử dụng. Ngôi biệt thự sai phạm cả về tầng cao, diện tích, kiến trúc được cơ quan chức năng phê duyệt trước đó, đều là những lỗi nặng nhất về trật tự xây dựng”, ông Diên nhận xét.

KĐT kiểu mẫu Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) từng nổi tiếng khi là KĐT kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội, nhưng cũng có hàng chục căn biệt thự đã bị thay đổi kiến trúc từ 3 tầng, mái vát thành nhà 4 tầng, mái bằng hoặc mái kiểu Pháp. Căn biệt thự ở lô số 4, khu TT6D được xây dựng thành ngôi nhà 4 tầng vuông vức, mái bằng. Từ tầng 2 trở lên được đổ bê tông lấn ra khoảng thoáng làm tăng diện tích sàn, thay đổi kiến trúc. Cách đó không xa, lô số 3+4 khu TT5C là ngôi nhà 4 tầng, 1 tum kiến trúc dạng tòa lâu đài được biến thành từ 2 căn biệt thự... Một số nhà biệt thự khác vẫn đang tiếp tục bị thi công cơi nới nâng tầng. KĐT Bắc Linh Đàm mở rộng cũng xuất hiện cả chục căn biệt thự bị cơi nới. Điển hình nhất là căn biệt thự số 64-BT4-X2 ở góc đường bị “hô biến” từ 3 tầng, mái vát thành nhà 5 tầng đang cho thuê làm cửa hàng thức ăn nhanh.

Tình trạng xây dựng, cơi nới nhà biệt thự làm thay đổi quy hoạch kiến trúc đã được duyệt, mất tính đồng bộ của KĐT Mỹ Đình 2 (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng diễn biến phức tạp. Hàng chục căn biệt thự mới được đưa vào sử dụng chưa đến 10 năm, nhưng đã biến tướng thành nhiều loại hình kiến trúc pha tạp.

Phá vỡ cục bộ

Thanh Niên đã liên hệ với một số cơ quan chức năng và chủ đầu tư nhưng điệp khúc đùn đẩy, “đá bóng” trách nhiệm được lặp lại không có hồi kết.

Về ngôi biệt thự khủng ở KĐT Viglacera Xuân Phương, ông Trần Văn Diên, Đội phó Đội thanh tra xây dựng Q.Nam Từ Liêm, cho hay mới đây đã phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư dự án giải trình vi phạm. Đáng chú ý, trong biên bản cuộc kiểm tra nêu rõ, Đội thanh tra xây dựng Q.Nam Từ Liêm chưa thiết lập hồ sơ vi phạm đối với trường hợp vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, nói về trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, ông Diên khẳng định: “Chủ đầu tư dự án là Viglacera phải chịu trách nhiệm hoàn toàn do chưa bàn giao kết cấu hạ tầng cho cơ quan quản lý nhà nước. Chưa bàn giao nên chủ đầu tư phải trách nhiệm kiểm soát trật tự xây dựng. Mặt khác, khi sửa chữa, chủ sở hữu ngôi biệt thự chỉ thông báo với ban quản lý dự án thuộc Viglacera chứ không thông báo với Đội thanh tra xây dựng. Phía Viglacera cũng không thông báo cho Đội thanh tra xây dựng nên không biết để kiểm tra”.

Nói về “nạn” cơi nới biệt thự ở KĐT kiểu mẫu Linh Đàm, ông Nguyễn Thế Ước, Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển nhà HUD2 - đơn vị được Tổng công ty HUD giao quản lý, thừa nhận có tình trạng nhiều căn biệt thự bị cơi nới gây biến dạng quy hoạch kiến trúc của khu.

TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết mỗi KĐT đều có diện mạo riêng, nếu phá vỡ cục bộ những khu nhỏ lẻ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ diện mạo của KĐT. Các KĐT do chủ đầu tư quản lý có tình trạng thỏa thuận để chủ nhà cơi nới, phá vỡ quy hoạch. Đây là lỗi của chủ đầu tư và cũng là tồn tại trong quản lý cấp phép đầu tư xây dựng. Theo ông Nghiêm, cần phải xác định phân công, phân cấp quản lý giám sát, gắn trách nhiệm rõ ràng đến các lực lượng, các bên, có chế tài phạt nặng hơn mới hạn chế được tình hình.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, không thể bỏ qua trách nhiệm của lực lượng thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương vì hoạt động cơi nới nhà biệt thự diễn ra trên địa bàn. Họ buông lỏng quản lý nên mới để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tràn lan.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên