Top

TPHCM: Thép, xi măng giảm giá

Cập nhật 12/08/2008 10:00

Sau nhiều tháng liên tục tăng giá, hiện các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch ống tại thị trường TPHCM đã hạ nhiệt.

Tại một số đại lý ở quận 10, giá thép cuộn của các hãng VinaKyoe và Pomina còn 21,4 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 600.000 đồng/tấn so với cách đây ba ngày. Thép cây của các hãng trên cũng giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn so với cuối tuần trước.

Theo khảo sát của PV sáng 11-8, giá xi măng Hà Tiên 1 và Holcim bán lẻ giảm thêm 1.000 đồng/bao sau gần một tháng giữ giá ổn định. Tại các đại lý, giá xi măng Hà Tiên 1 chỉ còn 72.000 đồng/bao, Holcim còn 69.000 đồng/bao.

Giá gạch ống và một số loại vật liệu xây dựng khác cũng giảm nhẹ so với tuần trước. Theo các nhà thầu xây dựng, chỉ có giá cát và đá xây dựng các loại là còn cao, do chi phí nhiên liệu khai thác và vận chuyển cát, đá tăng cao.

Theo ông Lê Thành Công, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp xây dựng TPHCM, vì đang vào mùa mưa nên tốc độ xây dựng tại thành phố chậm lại. Ngoài ra, tốc độ giải ngân ở các công trình sử dụng vốn ngân sách cũng chậm khiến tình hình xây dựng được dự báo sẽ tiếp tục chững lại trong vòng ba tháng nữa.

Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường, cho biết, lượng thép tiêu thụ trên cả nước trong bảy tháng đầu năm đạt 2,1 triệu tấn, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo ông Cường, tốc độ tiêu thụ thép được dự báo là sẽ giảm trong những tháng cuối năm nên khả năng tiêu thụ cả năm nay chỉ đạt trên 4 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2007 thay vì tăng 15% như kế hoạch ngành thép đặt ra hồi đầu năm.

Ông Cường cho biết thêm, tính đến nay, lượng phôi thép còn tồn là 400.000 tấn, dự kiến sẽ đủ cho sản xuất trong hai tháng tới. Trong hai tháng 5 và 6, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu trực tiếp và tái xuất gần 380.000 tấn phôi.

Trong khi đó, giá phôi nhập về từ các nước như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ giảm thêm 100 đô la Mỹ/tấn, còn khoảng 1.200 đô la/tấn, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn nhập phôi về với số lượng khá ít, chỉ khoảng 70.000 tấn trong hai tháng 6 và 7.

“Với sức tiêu thụ thép trên thị trường đang giảm, cộng với lượng phôi các doanh nghiệp nhập về để sản xuất chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ, tôi e có khả năng ngành thép lại tiếp tục đối mặt với chuyện thiếu phôi sản xuất trong những tháng cuối năm”, ông Cường nói.

Theo TBKTSG