Top

Thị trường OTC ấm dần

Cập nhật 20/04/2008 14:00

Cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có tính thanh khoản cao và được nhiều nhà đầu tư săn lùng

Gần một tháng nay, khi biên độ dao động giá trên thị trường niêm yết bị siết chặt lại, một bộ phận lớn các nhà đầu tư đã không còn “sóng” để lướt. Thay vì ngồi chờ giá chứng khoán mỗi ngày chỉ tăng được 1%-2%, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã chuyển sang lướt sóng trên OTC, do giao dịch chỉ cần thỏa thuận và giá cổ phiếu có thể thay đổi nhiều lần trong ngày.

Phá băng OTC

Một số chuyên gia cho rằng, đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết ở thời điểm này khá hấp dẫn, cơ hội kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn cao. Mặt khác, giá nhiều loại cổ phiếu hiện đã quay về điểm xuất phát, nên các NĐT có thể yên tâm đầu tư dài hạn.

Theo NĐT N.T.Lâm tại sàn chứng khoán Rồng Việt, hiện nay tính thanh khoản của các cổ phiếu bất động sản đã được cải thiện nên đang được nhiều nhà đầu tư săn lùng. Nhóm đầu tư vào cổ phiếu bất động sản phân tích, mặc dù thị trường bất động sản đang chựng lại nhưng xét về dài hạn, tình trạng cung không đủ cầu còn tiếp tục, ít nhất là tới năm 2010 nên các doanh nghiệp bất động sản vẫn ăn nên làm ra. “Tôi vừa đặt mua 20.000 cổ phiếu HAGL với giá 185.000 đồng/cổ phiếu” - anh Lâm cho biết. Một người chuyên môi giới cổ phiếu OTC xuyên quốc gia cũng cho hay, trong tuần này, đã có gần chục cuộc điện thoại đặt hàng mua cổ phiếu Vinaconex, HAGL với giá khá cao.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thời gian dài gần như biến mất trên thị trường OTC, gần đây cũng đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Các cổ phiếu ngân hàng được nhà đầu tư để mắt nhiều nhất là Eximbank, Ngân hàng Quân đội... Gần đây, cổ phiếu của Ngân hàng An Bình cũng đang được chào mua với giá 15.500 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Ngân hàng Đại Á được đặt mua với giá 19.000 đồng/cổ phiếu...

Theo anh N.V.Quang, NĐT trên sàn Rồng Việt, năm nay các ngân hàng hoạt động tương đối khó khăn nhưng nhìn về dài hạn vẫn còn nhiều tiềm năng. Vì vậy đầu tư vào cổ phiếu ngành này xem như “của để dành” trong thời gian ít nhất 1 - 2 năm.

Sẽ bớt rủi ro

Các chuyên gia cho rằng, sự lên xuống trên thị trường OTC ảnh hưởng rất nhiều từ diễn biến trên thị trường niêm yết. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến thị trường này đóng băng trong thời gian qua là do rủi ro quá nhiều. Hiện Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thành phương án quản lý tập trung đối với thị trường OTC.

Theo đó, thị trường OTC sẽ được chuyển thành thị trường đăng ký do Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội quản lý, với phương thức giao dịch thỏa thuận từ 10 - 12 giờ và 13 - 15 giờ hằng ngày, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong quý II/2008. Trong dự thảo quy chế về tổ chức và giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đưa ra biên độ dao động giá là ± 20% và các nhà đầu tư sẽ không được quyền mua bán cùng một loại cổ phiếu trong ngày, để tránh hiện tượng làm giá.

Xung quanh quy chế quản lý thị trường OTC, một số công ty chứng khoán cho rằng không nên quá “mạnh tay”. Cụ thể, không nên áp dụng quy định không cho NĐT mua bán cùng một loại cổ phiếu trong ngày vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản, làm mất vai trò của các nhà tạo lập thị trường. Thay vào đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế hiện tượng “làm giá” trên thị trường.

Theo Người Lao Động