Top

Thị trường cát dậy sóng

Cập nhật 04/05/2017 10:01

Khi các cơ quan chức năng siết việc quản lý khai thác cát, thị trường cát sông khan hiếm, giá tăng vọt theo cấp số nhân, các mỏ đua nhau đục khoét lòng sông tận thu sản phẩm…


Khai thác cát trên sông Tiền khu vực Đồng Tháp - Ảnh: Tiến Trình

Chưa bao giờ câu chuyện đất, cát lại khiến cả vùng ĐBSCL trở nên nóng sốt như bây giờ.

Cát sông “sốt” giá

Qua khảo sát tại các vựa vật liệu xây dựng (VLXD) lớn ở khu vực ĐBSCL, giá cát mịn, cát vàng, cát hạt lớn và cát to sà lan cập mạn bán tại vựa (chưa thuế VAT) lần lượt 80.000 đồng, 100.000 đồng, 150.000 đồng và 200.000 đồng/m3.

Theo một chủ vựa VLXD lớn ở Cần Thơ, chỉ 2 tháng trước giá các loại cát này chỉ ở mức lần lượt 50.000 đồng, 65.000 đồng, 90.000 đồng và 120.000 đồng/m3. Như vậy chỉ gần 2 tháng, giá cát sông đã tăng gần gấp đôi.

Theo chủ vựa VLXD H.B (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), trong ngày 2-5 giá cát mịn bán lẻ dùng để san lấp mặt bằng là 80.000 đồng/m3, ngày 3-5 đã tăng vọt lên 115.000 đồng/m3. Lý giải về việc tăng giá này, chủ vựa H.B cho rằng do hiện nay nguồn cát đang rất khan hiếm, hàng về bao nhiêu cũng hết sạch.

Còn chủ vựa Q.D Bình Minh (Vĩnh Long) cho biết thêm trước đây cát chứa nhiều tạp chất nhập về rất khó bán thì hiện nay cũng không có hàng để bán. “Hiện nay cát có bẩn đến mấy, đen đến cỡ nào vẫn cháy hàng” - chủ vựa này nói.

Trong khi đó, tính đến cuối ngày 3-5, giá cát xây dựng tại TP.HCM tiếp tục đứng ở mức cao so với trước kỳ nghỉ lễ. Hiện giá cát vẫn dao động quanh mức 600.000 đồng/m3. Với cát có lẫn bùn và cây mục, giá dao động 480.000 - 530.000 đồng/m3.

Mức giá này, theo ông T. - đại diện một doanh nghiệp kinh doanh lâu năm trong ngành cát, đã bị thổi lên ít nhất từ 3-4 lần sau khi qua ba, bốn khâu trung gian.

Vẫn ồ ạt khai thác

Sáng sớm, tại một khúc sông Tiền chảy qua địa phận xã Long Thuận và Phú Thuận B (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) náo động không khác gì một khu chợ khổng lồ. Tàu bè từ các tỉnh đổ về đây, sau một đêm nằm chờ, đồng loạt nổ máy chạy ra các mỏ cát quanh các ngõ, nhánh sông xen kẽ giữa các cù lao.

Đó cũng là lúc những chiếc xáng cạp bắt đầu chuyển động cho một ngày làm ăn mới của giới khai mỏ. Một vùng nước chỉ vài kilômet, chúng tôi ghi hình không dưới 50 sà lan loại vài trăm tấn, trên 20 chiếc xáng cạp các loại đang hoạt động.

Lượn lờ quanh thế giới náo nhiệt, trong làn khói máy, trong tiếng động cơ, tiếng sắt khua... là những chiếc canô đảo quanh khắp khu vực của giới “điều hành”.

Trong vai một người đến tìm nguồn cát về bán ở Cà Mau, Bạc Liêu, chúng tôi không khó khi tiếp cận với hai “nhân vật” có tiếng ở vùng mỏ cát. Nghe có người mua cát, một người tên Đ. sốt sắng chào giá.

Khi tôi cho biết mình có 2 sà lan chở cát loại 500m3 nhưng cần xuất hóa đơn 300m3 mỗi chiếc, Đ. lắc đầu: “Không được. Nếu sà lan 500 khối thì chỉ xuất được hóa đơn 150 khối thôi...”.

Điều này có nghĩa là 70% lượng cát bán đi sẽ không nằm trong hóa đơn bán hàng. Nguồn tin am hiểu những câu chuyện phía sau việc khai thác cát ở đây cho biết Đ. chỉ là “cò nhỏ”.

Người đứng ra thao túng nhiều đầu mối sà lan cát tại khu vực 4 mỏ cát là Y.. Người này trước đây nổi tiếng với biệt danh “hà bá”, là thân tín của nguyên cán bộ lãnh đạo một huyện bị ngồi tù vì bảo kê cho cát lậu.

Ông Nam, một “cò” mua bán cát tại mỏ Tân Châu, cho biết các mỏ đang hoạt động hết công suất ngày lẫn đêm mới có đủ cát cung cấp cho sà lan vận chuyển đi tiêu thụ.

Một chuyên gia nghiên cứu về sử dụng cát vùng ĐBSCL lý giải vấn nạn cát lậu, cát không rõ nguồn gốc cứ ồ ạt tuồn về từ thượng nguồn là do các công trình lớn như cao ốc, đường sá... luôn cần một lượng lớn cát để san lấp mặt bằng.

“Qua khảo sát, nếu trước đây mỗi mỏ cát được cấp phép khai thác trên sông Hậu, sông Tiền chỉ có khoảng 2-3 sà lan đến lấy cát thì hiện nay lên tới hàng chục. Cụ thể, sau khi có chỉ đạo siết chặt việc khai thác cát, các mỏ ở thượng nguồn như Tân Châu (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) hiện thường trực ít nhất 40 - 50 sà lan xếp hàng chờ lấy cát” - chuyên gia này nói.


Giá cát xây dựng tăng khiến nhà thầu và chủ đầu tư lao đao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không thể khai thác mãi

Ông Võ Tấn Dũng - thành viên Hội đồng khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng - cho rằng hiện nay công trình nhỏ nhất cũng cần hàng nghìn mét khối cát san lấp, có công trình cần đến hàng triệu mét khối.

“Chúng ta không thể cứ móc chỗ này đắp chỗ kia. Vì vậy, cách tốt nhất hiện nay cần phải quy hoạch, sử dụng nguồn cát đã qua sàng rửa từ nguồn nguyên liệu đất, cát nhiễm mặn để dần thay thế cát sông” - ông Dũng đề nghị.

TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh để lượng cát từ thượng nguồn phía Trung Quốc về tới ĐBSCL bù đắp thì quá trình đó phải mất cả trăm năm.

Trước đây khi khai thác cát xong, cát sẽ được lấp đầy lại trong thời gian không lâu sau đó, nhưng 7-8 năm nay khi đã khai thác cát chỗ nào rồi thì chỗ đó không thể lấp đầy lại như vậy nữa. Chính vì vậy hiện tại đáy sông Tiền và sông Hậu có chỗ đã sâu hơn với mức trung bình 1 - 1,3m so với trước đây.

Theo ông Ni, mỗi lần khai thác cát sẽ làm địa hình đáy sông thay đổi, từ đó làm dòng chảy của nước thay đổi. Không phải khai thác cát chỗ nào, chỗ đó sẽ sạt lở mà việc khai thác cát có thể ảnh hưởng tới vùng cách nơi khai thác 5 - 10km, thậm chí xa hơn.

Trong bối cảnh cát thô không về như trước, ông Ni đề nghị không thể mãi tận thu cát ở sông Tiền và sông Hậu. Việc khai thác cát sẽ làm trầm trọng hơn việc xói lở hai bên bờ sông.

“Ngành xây dựng cần rà soát công trình nào không nhất thiết dùng tới cát để san lấp thì tìm vật liệu thay thế” - ông Ni nói.

Nhiều nhà thầu lao đao

Tại khu vực sông Đồng Nai thuộc tỉnh Đồng Nai, anh L. - chủ một vựa cát ở TP Biên Hòa - nói: “Trước đây cát xây dựng bán tại bãi có xe đến chở chỉ 110.000 đồng/m3 nhưng nay đã 220.000 đồng mà không có cát để cung ứng”.

Cũng theo anh L., tình trạng cát làm bêtông đang đội giá khủng khiếp. Trước đây giá 150.000 đồng/m3 nhưng nay đã lên 600.000 đồng mà không có cát để bán.

Trong khi đó, anh Minh - một nhà thầu ở Đồng Nai - cho hay nhiều đơn vị thi công đang phải đàm phán lại với chủ đầu tư về mức giá xây dựng đã ký kết bởi chi phí mua cát tăng mạnh, nhưng chưa biết kết quả ra sao...

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai xác nhận: “Nguồn cát đang khan hiếm, giá đang tăng khiến các nhà thầu xây dựng lao đao. Cát hiện nay không đủ cung ứng cho nhu cầu xây dựng cùng với việc siết chặt khai thác cát đã đẩy giá cát lên cao là câu chuyện có thật”.
 

Tăng xử lý vi phạm liên quan đến cát

Khi giá cát trên thị trường tăng chóng mặt, gần đây số lượng phương tiện chở cát không hóa đơn, chứng từ bị phát hiện cũng ngày một tăng.

Theo Phòng cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP Cần Thơ, chỉ trong vòng hơn một tuần ra quân kiểm tra việc khai thác và vận chuyển cát trên sông Hậu (từ cuối tháng 4 tới đầu tháng 5-2017), đơn vị này đã tạm giữ 30 sà lan chở cát nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Trong hàng chục trường hợp bị tạm giữ chưa trường hợp nào khai nguồn gốc cát được khai thác từ phía Campuchia.

Đại tá Trần Thanh Chàng, trưởng PC46 Công an TP Cần Thơ, cho biết trong 30 trường hợp sà lan chở cát bị tạm giữ, nhiều ngày sau đó có 18 trường hợp đến xuất trình hóa đơn, 11 trường hợp không xuất trình được hóa đơn chứng từ và 1 trường hợp bị phát hiện sử dụng hóa đơn xoay vòng.

Nhưng ngay những trường hợp xuất trình được hóa đơn cũng không khớp với số lượng cát chuyên chở trên sà lan.



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ