Trên cơ sở chuyển dịch từ tiêu chuẩn châu Âu hiện hành, đồng thời soát xét và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Dự thảo tiêu chuẩn Cọc bê tông cốt thép đúc sẵn và Cọc chiếm chỗ do Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam biên soạn, đã được Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Chuyên ngành nghiệm thu.
Các yêu cầu về khảo sát địa chất công trình, vật liệu và cấu kiện, thiết kế và các xem xét liên quan (độ lệch hình học trong thi công, trình tự hạ cọc, các yêu cầu cơ bản cho việc hỗ trợ hạ cọc, thiết kế lực đóng cho các cấu kiện chế tạo sẵn, thiết kế cụ thể…) của Cọc bê tông cốt thép đúc sẵn đã được trình bày tại Dự thảo. Đồng thời, Dự thảo tiêu chuẩn cũng quy định các thuật ngữ, tiêu chuẩn thực hành cơ bản, phương pháp thử nghiệm và đánh giá sự phù hợp của Cọc bê tông đúc sẵn.
Tiêu chuẩn Cọc chiếm chỗ (loại cọc được đưa vào lòng đất mà không sử dụng biện pháp đào hay lấy đi bất kỳ vật thể nào ra khỏi lòng đất ngoài biện pháp giảm thiểu việc đẩy trồi, rung động, loại bỏ các vật cản hoặc tham gia vào việc xuyên của cọc) đã đưa ra các yêu cầu về: vật liệu, chế tạo (chế tạo bê tông, cấp cường độ), gia công lắp đặt cốt thép, thành phẩm, phương pháp thí nghiệm, ghi nhãn mác… nhằm thiết lập những nguyên tắc chung cho việc thi công cọc chiếm chỗ.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc chuyển dịch cơ bản bám sát tiêu chuẩn gốc, đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra, tuy nhiên cần chú ý Việt hoá các thuật ngữ. “Cần cố gắng sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành. Nếu trong tiếng Việt không có thuật ngữ đó, phải chuyển dịch, diễn tả sao cho dễ hiểu và có thể minh hoạ thêm bằng hình vẽ” - TS Nguyễn Trung Hoà, Vụ trưởng Vụ KHCN và MT (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hội đồng đề nghị.
Với số điểm trung bình 34,4 điểm (đạt loại khá), 2 tiêu chuẩn đã được nghiệm thu, chỉnh sửa và dự kiến trình Bộ Xây dựng ban hành trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng