Ngân hàng chỉ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ khai thác mỏ quặng, luyện phôi, gắn với sản xuất thành phẩm.
Hiệp hội Thép VN và 10 thành viên trong Hiệp hội Ngân hàng (NH) VN vừa họp bàn biện pháp giảm bớt áp lực về thời gian trả nợ và cung cấp thêm vốn cho các doanh nghiệp (DN) thép để duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại dù NH có đổ tiền vào thì trong quý IV này vẫn chưa thể cứu được ngành thép.
Chỉ rót vốn cho dự án đầu tư
Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Tổng Giám đốc NH Công thương VN (Vietinbank), cho biết mặc dù ngành thép đang gặp nhiều khó khăn nhưng NH này vẫn tiếp tục rót vốn. Tuy nhiên, danh mục đầu tư bây giờ rõ ràng và chọn lọc hơn trước. Vietinbank chỉ cung cấp vốn cho các DN đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ việc khai thác mỏ quặng, luyện phôi, gắn với sản xuất thành phẩm. Đến nay Vietinbank đang cho DN ngành thép vay trên 1.000 tỉ đồng và số dư này sẽ tiếp tục tăng lên. Vietinbank vừa ký hợp đồng tài trợ 72 triệu USD cho Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản VN để đầu tư cho tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng.
Sự bế tắc của ngành thép hiện tại không phải là vấn đề vốn mà là sự khê đọng của lượng thép thương mại tồn kho. Theo thống kê đến hết tháng 10, cả nước còn tồn kho 1,84 triệu tấn phôi và thép thành phẩm. Lượng thép đó có thể cung cấp thừa cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cả nước trong vòng 4 - 5 tháng tới.
Tiền ngân hàng có cứu được ngành thép?
Đối với những DN kinh doanh thép thương mại, hàng nằm trong kho còn nhiều, nếu NH đổ thêm tiền thì trong quý IV này cũng chưa cứu được họ. Vấn đề cơ bản là phải giải phóng hết hàng tồn kho để bắt đầu làm lại vòng quay vốn mới. Nhưng do lượng thép trong kho quá lớn, trong khi sức mua trên thị trường yếu nên phải mất nhiều tháng nữa mới có thể giải phóng xong hàng. Mặc dù Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế xuất khẩu thép xuống 0%, nhưng do giá thế giới đã xuống mức quá thấp nên hầu hết các DN không muốn xuất mà chỉ co lại chờ thời. Các thành viên trong Hiệp hội Thép VN đã thỏa thuận liên kết cầm giữ giá (bán cao hơn khoảng 40% so với thế giới) nhưng làm thế chỉ kéo dài khó khăn cho DN và thiệt cho người tiêu dùng.
Theo tiến sĩ Phạm Huy Hùng, trong điều kiện giá nguyên liệu thép thế giới xuống thấp thì NH vẫn tiếp tục bơm vốn cho DN. Nhưng NH chỉ cung cấp vốn cho những DN đã tiêu thụ hết thép tồn kho từ trước. Nguồn vốn vay sắp tới chỉ dùng nhập nguyên liệu giá rẻ về sản xuất để làm ra thành phẩm. Khi giá thép mới về sẽ đẩy tính cạnh tranh buộc các DN giữ hàng trong kho phải hạ giá bán cho phù hợp với tình hình mới.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động