Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý loại 5 dự án xi măng Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ, Ngân Sơn với tổng công suất 910.000 tấn/năm khỏi quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 – 2020 định hướng đến năm 2030.
Hiện nay công suất xi măng trong nước đã vượt xa nhu cầu - Ảnh: Văn Nam
|
Trước đó, vào đầu năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng đưa 9 dự án xi măng quy mô công suất dưới 2.500 tấn clinke/ngày ra khỏi quy hoạch phát triển ngành xi măng.
Theo văn bản gởi Bộ Xây dựng ngày 28-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý hoãn triển khai 9 dự án xi măng gồm Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung dự án xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) công suất 2,3 triệu tấn/năm được triển khai từ đầu năm 2014, dự kiến vận hành năm 2018.
Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, hiện nay công suất sản xuất ngành xi măng cả nước là khoảng gần 66 triệu tấn/năm.
Thừa nhận ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn, thế nhưng ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng từng nhận định một số dự án vẫn đang tiếp tục được đầu tư và đưa vào hoạt động trong năm 2013 bởi đây là các dự án nằm trong quy hoạch, chủ đầu tư đã đầu tư gần xong, vốn đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng, các chủ đầu tư như "đang ngồi trên lưng hổ rồi, sản xuất ra thì khó tiêu thụ nhưng không sản xuất cũng chết với lãi ngân hàng".
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết theo quy hoạch dự kiến đến năm 2015 công suất đạt trên 90 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ đến 2015 đạt 75 - 76 triệu tấn.
Năm 2012, lượng xi măng tiêu thụ đạt 48 triệu tấn. Nếu theo kịch bản lạc quan nhất mỗi năm tăng thêm 5 - 10% nữa thì đến 2015 cũng chỉ đạt mức tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn. Như vậy có nghĩa là tiêu thụ xi măng sẽ thấp khá xa so với dự báo trong quy hoạch.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG