Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), có 3 vướng mắc lớn dẫn đến chậm tiến độ Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan, thì trách nhiệm chính thuộc về nhà đầu tư.
Vướng mắc lãi suất, hỗ trợ của Nhà nước
Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 9.668,5 tỷ đồng, chiều dài tuyến cao tốc 51 km, qua tỉnh Tiền Giang. Dự án thực hiện theo hình thức BOT, phương án tài chính dự kiến thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương 8 năm 2 tháng và thu phí đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận 8 năm 3 tháng; giá vé tăng 9%/3 năm trong 6 năm đầu và 6%/3 năm với các năm tiếp theo. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu 1.542,8 tỷ đồng và vốn vay 8.125,7 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, hiện Dự án đã triển khai thi công 19 trong tổng số 21 gói thầu, giá trị thực hiện lũy kế hết tháng 12/2018 khoảng 1.002 tỷ đồng, tương đương 17,2%. Tiến độ chậm so với tiến độ tổng thể khoảng 20,5% và hiện nay gần như dừng thi công.
Bộ GTVT cho biết, trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư phản ánh gặp nhiều khó khăn do phải bù chênh lệch lãi suất. Cụ thể, hiện lãi suất cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng khoảng 10 - 11%/năm (lãi suất thời điểm hiện tại theo hợp đồng tín dụng của Dự án là 11,075%/năm) trong khi lãi suất vay tính toán theo quy định pháp luật và Hợp đồng BOT khoảng 6,7%/năm (tối đa bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm). Nhà đầu tư phải tự bù kinh phí chênh lệch giữa lãi suất đi vay và lãi suất tính toán theo quy định pháp luật (~4%/năm).
Ngày 28/9/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, quy định tại Thông tư không áp dụng được cho Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do không thuộc các trường hợp được điều chỉnh dự án theo Luật Xây dựng và pháp luật không quy định điều chỉnh lãi suất vay trong hợp đồng đã ký nên Bộ GTVT không đủ cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định.
Dự án cũng gặp vướng mắc liên quan đến phần hỗ trợ của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận dùng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ cho Dự án, tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, việc giao nhà đầu tư quyền khai thác và thu giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương không còn phù hợp.
Trách nhiệm chính thuộc về nhà đầu tư
Năm 2016, Bộ GTVT đã ký hợp đồng Dự án với nhà đầu tư là Liên danh gồm Công ty Tuấn Lộc (30%), Yên Khánh (30%), BMT (10%), Thắng Lợi (10%), Hoàng An (10%) và Cầu đường CII (10%). Nhà đầu tư trước đó được Bộ GTVT lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu.
Bộ GTVT cho biết, Nhà đầu tư đã góp đủ vốn chủ sở hữu (1.542,8 tỷ đồng); ký hợp đồng với các ngân hàng VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank để vay 6.850 tỷ đồng; phần còn lại (1.275,7 tỷ đồng), Nhà đầu tư báo cáo tự huy động.
Trong số các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, Bộ GTVT nhấn mạnh việc Nhà đầu tư chưa đáp ứng đủ các điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn vay của hợp đồng tín dụng. Trong số 20 điều kiện tiên quyết, có 3 điều kiện khó có thể đáp ứng là huy động vốn tự có 2.900 tỷ đồng; không có bất kỳ thay đổi bất lợi đáng kể nào; cho phép chuyển nhượng khi nhà đầu tư đang vi phạm hợp đồng.
Một trong các cổ đông của Doanh nghiệp dự án là Công ty Yên Khánh hiện đang bị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra vi phạm theo Kết luận số 35/KL-TTCP ngày 8/1/2019 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Công ty này bị điều tra vì có hành vi giả mạo hồ sơ tài liệu với vai trò nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp; chuyển nhượng thầu sai quy định; vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng: kê khai, giả mạo hồ sơ...
Theo Bộ GTVT, các ngân hàng cho biết nếu doanh nghiệp bị vướng trong điều tra hoặc tranh chấp thì tài sản sẽ bị đóng băng không thực hiện được các giao dịch.
Được biết, các cổ đông của Doanh nghiệp dự án đã có dự kiến chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của các cổ đông góp vốn bao gồm Yên Khánh và Hoàng An cho CII B&R và/hoặc CII; của Thắng Lợi cho Tuấn Lộc. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần không thể thực hiện vì công trình chưa hoàn thành và Nhà đầu tư đang vi phạm hợp đồng.
Bộ GTVT cho rằng, mặc dù có nguyên nhân khách quan nhưng theo quy định hợp đồng, Nhà đầu tư vẫn phải có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng đã ký, việc chậm tiến độ dự án, không huy động được vốn thuộc lỗi của Nhà đầu tư. Bộ GTVT đã thông báo vi phạm hợp đồng từ ngày 18/12/2018.
DiaOcOnline.vn – Theo Đấu thầu