Luật Đấu thầu sửa đổi (sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6), theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ngoài việc khắc phục những hạn chế hiện nay, còn phải là “con đê” chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012, trong tổng số 840,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, thì vốn đầu tư từ khu vực nhà nước, bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng nhà nước và vốn của DN nhà nước chiếm 381,22 ngàn tỷ đồng.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung thêm hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng
|
Còn trong 6 tháng đầu năm nay, khu vực nhà nước đã đầu tư trên 166 ngàn tỷ đồng trong tổng số 448,6 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội.
Với nguồn vốn đầu tư của khu vực nhà nước khổng lồ như vậy, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Thất thoát cũng từ đây mà ra, lãng phí cũng từ đây mà ra, tham nhũng cũng từ đây mà ra”. Vì vậy, tham gia vào Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi mới nhất tại Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, Luật Đấu thầu sửa đổi phải bịt được mọi lỗ hổng để tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
“Có bao nhiêu công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước thực hiện đúng tiến độ, không tăng tổng mức đầu tư, mà vẫn bảo đảm chất lượng? Có bao nhiêu cuộc đấu thầu không có hiện tượng thông thầu, quân xanh - quân đỏ, bán thầu, tiêu cực?”, ông Hùng đặt câu hỏi và yêu cầu Luật Đấu thầu sửa đổi phải vừa chống thất thoát, lãng phí, vừa tạo điều kiện cho DN có đủ tiềm lực về tài chính, năng lực kỹ thuật, nhân công, kinh nghiệm thực hiện các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước.
Chỉ tính riêng công trình, dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006 - 2012, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh từ 409.415,5 tỷ đồng lên 684.794,5 tỷ đồng (tính đến thời điểm giao kế hoạch 2012). Tình trạng nâng tổng mức đầu tư, theo ông Hùng, là không chấp nhận được.
“Khi tham gia bỏ thầu, nhà thầu phải tính đến mọi yếu tố từ việc điều chỉnh lương cơ bản theo lộ trình đến tốc độ trượt giá trên tinh thần lời ăn lỗ chịu, chứ không có chuyện lời ăn, thua lỗ hoặc lời ít, thì lại đề nghị tăng tổng mức đầu tư. Luật Đấu thầu sửa đổi phải quy định rõ vấn đề này”, ông Hùng chỉ đạo.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển thừa nhận, hầu hết các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước đều bị lãng phí do kéo dài thời gian thi công và nâng tổng mức đầu tư. Ông Hiển cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là khi tổ chức đấu thầu không lựa chọn được nhà thầu đủ tiềm lực tài chính, năng lực thi công, kinh nghiệm thực hiện dự án, công trình. “Nhiều nhà thầu trúng thầu với khối lượng rất lớn, nhưng khả năng để thực hiện rất thấp. Vì vậy, Luật Đấu thầu sửa đổi phải quy định rất chặt việc lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN có đủ năng lực và phù hợp với thực tiễn, nên giao Chính phủ quy định chi tiết cụ thể về vấn đề này”, ông Hiển nói.
Vẫn theo ông Hiển, tình trạng bỏ thầu thấp để trúng thầu, sau khi trúng thầu kéo dài thời gian thi công đợi cho đến khi có sự thay đổi về giá; nhà thầu trúng thầu sau đó ký hợp đồng với nhà thầu phụ, thực chất là bán công trình; nhiều dự án, công trình vừa hết thời gian bảo hành, thậm chí vừa bàn giao xong đã bị hỏng, diễn ra khá phổ biến.
Muốn khắc phục tình trạng này, theo ông Hiển, một mặt, khi đấu thầu không quá nặng về việc lựa chọn nhà thầu bỏ giá rẻ; mặt khác, phải quy định xử phạt thật chặt chẽ, có chế tài xử phạt thật nặng đối với nhà thầu vi phạm trong quá trình đấu thầu, nhà thầu vi phạm trong quá trình tổ chức thi công để nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm công trình thi công đúng tiến độ và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Trên thực tế, triển khai dự án đầu tư có rất nhiều gói thầu khác nhau, như gói thầu hỗn hợp bao gồm thiết kế và cung cấp vật tư, thiết bị; gói thầu thiết kế và xây lắp; gói thầu cung cấp vật tư, thiết bị và xây lắp; gói thầu thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và xây lắp; gói thầu lập dự án, thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và xây lắp trọn gói (chìa khoá trao tay).
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết Sinh, đối với gói thầu trọn gói, thường không bị điều chỉnh tổng mức đầu tư, bảo đảm thời gian thi công, chất lượng công trình, nhưng chỉ có DN nước ngoài tham gia gói thầu này. Còn DN trong nước vì nhiều lý do khác nhau, nên hầu như chỉ tham gia các gói thầu khác, vì thế dẫn tới tình trạng phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
“Muốn khuyến khích được DN tham gia gói thầu trọn gói, thì điều kiện tiên quyết là tình hình kinh tế vĩ mô phải tương đối ổn định”, ông Sinh nói và cho biết, sẽ có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư thực hiện gói thầu chìa khóa trao tay để chống thất thoát, lãng phí.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư