Nhiều khu đô thị (KĐT) mới có nguy cơ bị biến dạng do tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, cơi nới, lấn chiếm diễn ra tràn lan. Trong khi đó, chính quyền thì lại điệp khúc "do lực lượng mỏng", đặc biệt có nơi chấp thuận cho vi phạm như một hình thức: "phạt cho tồn tại".
Băm nát cả "đô thị kiểu mẫu "
Một thực tế dễ nhận thấy có rất nhiều những khu nhà ở thấp tầng, KĐT mới trên địa bàn Hà Nội đều xuất hiện những ngôi nhà cơi nới quy mô bất thường, vi phạm trật tự xây dựng, tự ý thay đổi kiến trúc mặt đứng không đúng với quy hoạch.
Ghi nhận tại dự án hỗn hợp nhà cao tầng, xen kẽ biệt thự - liền kề (dự án Bắc Hà Tower - C37) nằm trong KĐT mới Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương Mại Bắc Hà làm chủ đầu tư với quy mô diện tích gần 24.000 m2 bao gồm các hạng mục như chung cư cao cấp, văn phòng, biệt thự liền kề...
Theo bản vẽ thiết kế, khu biệt thự liền kề C37 được xây dựng chiều cao 3 tầng, tum giống nhau nhưng khi dự án đưa vào thi công và bàn giao cho các chủ sở hữu căn hộ thì nhiều công trình được sửa chữa và xây dựng sai bản vẽ thiết kế, phá vỡ quy hoạch chung.
Nơi đây cũng gây chú ý của dư luận với biệt thự BT1 của gia đình cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 - Bộ Công an). Đến nay, căn biệt thự đã bị tháo dỡ 3 bức tường sai phép và ngừng thi công. Phần vượt tầng, vượt chiều cao so với thiết kế vẫn không được tháo dỡ. Ngoài ra còn có các biệt thự phá vỡ quy hoạch như BT24, bị phá tum mái vát và cơi nới phần tầng 3 tăng thêm 21m2; Một số căn biệt thự khác được các chủ hộ phá phần mái rồi che bạt rồi tự ý thay đổi theo kiến trúc như BT14, BT25…
Biệt thự BT1 của gia đình cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa vượt tầng, vượt chiều cao tuy nhiên đến nay vi phạm chưa được xử lý dứt điểm.
|
Đại diện UBND phường Trung Văn cho biết, ban đầu các chủ hộ khi tiến hành sửa chữa đều có cam kết giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến khi thi công thì lại làm không đúng cam kết, tự ý cơi nới. Trong khi phường lực lượng mỏng, chưa kiểm tra xử lý được sát sao. Về việc cưỡng chế các biệt thự sai phạm, vị này cho rằng chậm trễ vì không liên lạc được với chủ hộ.
Dự án Foresa Villa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Công ty Cổ phần TASCO cũng không kém cạnh về mức độ vi phạm với nhiều công trình cơi nới, thay đổi kết cấu ban đầu, phá vỡ quy hoạch đô thị. Đặc biệt, tòa biệt thự 3 mặt tiền sơn màu hồng đỏ tại lô BT9 được xây dựng hoàn toàn khác biệt với các biệt thự cơ bản có kết cấu chung là 3 tầng, 1 tầng áp mái..
Cũng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, một dự án gây bức xúc khác là Five Star Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 1), theo quy hoạch phê duyệt có diện tích 7.605m2, gồm 53 lô là các căn nhà liền kề. Tuy nhiên, tại dự án trên có tới 20/53 công trình vi phạm trật tự xây dựng, cơi nới thêm tầng, tự ý thay đổi kết cấu.
Công trình 3 mặt tiền kiến trúc khác biệt so với phần còn lại tại dự án Foresa Villa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Công ty Cổ phần TASCO
|
Đáng chú ý, từ tháng 12/2017 đến tháng 4/2018, UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mỹ Đình 1 liên tục có các văn bản xử lý các công trình xây tại dự án Five Star Mỹ Đình, nhưng đến nay nhiều hộ chưa tháo dỡ phần vi phạm. Cũng chưa có biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Tại KĐT kiểu mẫu Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) từng nổi tiếng khi là KĐT kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội.. Diện tích các căn biệt thự từ 180m2 – 309m2, thiết kế 3,5 tầng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, liên tục các biệt thực được chủ hộ cơi nới thêm tầng, điển hình là căn biệt thự số 64-BT4-X2 KĐT Bắc Linh Đàm được nâng lên 5 tầng đang cho thuê làm hàng ăn; Biệt thự ở lô số 4, khu TT6D được xây dựng thành ngôi nhà 4 tầng mái bằng. Từ tầng 2 trở lên được đổ bê tông lấn ra khoảng thoáng nhằm tăng diện tích sàn…
Hoạt động xây dựng vi phạm trật tự đô thị cũng diễn ra ở những khu nhà ở thấp tầng như: Khu đô thị Văn Phú, Văn Khê (quận Hà Đông), Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm),...
Tiếp tay “băm nát” quy hoạch?
Ngày 30/7/2018, UBND quận Nam Từ Liêm có văn bản về việc điều chỉnh bổ sung thêm tum, thang máy thoát hiểm và lan can bảo vệ trên mái dự án Five Star Mỹ Đình. Theo đó, xét đề nghị của Phòng Quản lý đô thị quận, UBND quận chấp thuận với đề xuất của Phòng Quản lý đô thị; Giao phòng Quản lý đô thị hướng dẫn Cty Cổ phần quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (CIRI) hoàn thiện hồ sơ chấp thuận điều chỉnh phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ công trình, cấp Giấy phép xây dựng bổ sung công trình Dự án theo đúng quy định.
Việc ra văn bản “tiền hậu bất nhất” khiến dư luận vô cùng bất bình, không những có dấu hiệu bao che sai phạm, mà còn là hình thức hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư.
Dự án Five Star Mỹ Đình sau khi bị UBND quận xử phạt thì đến nay đã chấp thuận cho phần vi phạm..
|
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, việc chấp thuận phần tum tại dự án Five Star Mỹ Đình dựa trên văn bản của Bộ Xây dựng đối với các công trình nhà ở. Theo đó, cho phép xây dựng tầng tum và lửng, diện tích tum không vượt quá 30% diện tích sàn. Dựa trên kiến nghị của CĐT, khu vực này được làm tum để thoát hiểm, cứu nạn. “UBND quận cho phép làm riêng đúng tum đó thôi, quy hoạch chung vẫn là 5 tầng vì tum không tính thành tầng tòa nhà và không làm bất cứ gì khác”, đại diện quận Nam Từ Liêm nói.
Đối với biệt thự “khủng” tại lô BT9 thuộc khu đô thị sinh thái Xuân Phương – Foresa Villa lại được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tổng mặt và phương án kiến trúc mới. Theo đó, công trình được nâng tổng diện tích sàn 1.229m2 (đã gồm sàn tum thang, chưa gồm diện tích sàn tầng hầm); Tổng chiều cao từ cốt cao độ đặt công trình đến cốt mái tum thang là 14,15m. Dù rõ ràng một biệt thự có thiết kế khác biệt hoàn toàn so với các biệt thự còn lại, nhưng Sở Quy hoạch – Kiến trúc vẫn có văn bản chấp thuận, trái ngược với các quy hoạch trước đây của thành phố Hà Nội.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, mỗi KĐT đều có kiến trúc riêng, nếu phá vỡ theo thiết kế đã quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ diện mạo của KĐT. Các KĐT do chủ đầu tư quản lý có tình trạng thỏa thuận để chủ nhà cơi nới, phá vỡ quy hoạch. Trách nhiệm ở đây thuộc chủ đầu tư và cũng là tồn tại trong quản lý cấp phép đầu tư xây dựng. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần phải xác định phân công, phân cấp quản lý giám sát, gắn trách nhiệm rõ ràng đến các lực lượng chức năng, cùng chế tài phạt nặng hơn mới hạn chế các sai phạm.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, tự ý thay đổi kiến trúc mặt đứng không đúng với quy hoạch... tại các khu đô thị, các khu nhà thấp tầng và biệt thự liền kề trên địa bàn diễn ra ngày một phổ biến. Sở Xây dựng đã có công văn về việc cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn.
Theo đó, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát, thống kê các trường hợp xây dựng cơi nới diện tích ban công; sửa chữa, quây lô gia tại các dự án khu đô thị, khu chung cư trên địa bàn.
Sở Xây dựng cũng yêu cầu chính quyền các địa phương, đội thanh tra xây dựng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cơi nới, lấn chiếm nhằm bảo đảm sự an toàn của người dân, không gian kiến trúc và mỹ quan đô thị; nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan buông lỏng quản lý khi để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong