Nhằm giảm tải ùn tắc giao thông trên địa bàn, ngành giao thông TPHCM đã khởi công xây dựng và đưa vào khai thác nhiều cầu vượt bằng thép. Nhiều cây cầu sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, xe cộ lưu thông thông thoáng hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây chưa phải là giải pháp căn cơ, bền vững, thậm chí bố trí cầu vượt ở vị trí chưa phù hợp dẫn đến tình trạng công trình xuống cấp nhanh chóng.
Nét mới giao thông đô thị
Những năm gần đây, các số liệu báo cáo của ngành giao thông TP đều thể hiện các vụ ùn tắc, kẹt xe giảm so với trước, đây là điều đáng mừng. Cùng với những nhóm giải pháp, chương trình hành động giảm ùn tắc giao thông của TPHCM giai đoạn 2011-2015, việc xây dựng cầu vượt thép đã được tiến hành tại một số nút giao thông lớn. Tính đến nay, TP có tổng cộng 6 cây cầu vượt được đưa vào sử dụng.
Cụ thể, đầu năm 2013, UBND TP khánh thành 2 cây cầu vượt đầu tiên ở vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) và ngã tư Thủ Đức. 2 chiếc cầu này được xây dựng nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trên trục đường huyết mạch cửa ngõ phía Đông Bắc, kết nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Cầu vượt ngã tư Thủ Đức có tổng chiều dài 570m (cầu chính dài 278m, phần còn lại là đường dẫn). Cầu có tuổi thọ thiết kế 100 năm, tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng. Cầu vượt thép ở vòng xoay Hàng Xanh có chiều dài 390m (cầu chính 220m), rộng 16m cho 4 làn xe (xe khách và ô tô con có trọng tải dưới 10 tấn) lưu thông 2 chiều. Cầu có tuổi thọ thiết kế 50 năm, tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng.
Tiếp theo, ngày 27-4-2013, cầu vượt thép tại vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) được thông xe sau 80 ngày thi công, giảm ùn tắc cho điểm nóng giao thông phía Tây Bắc TP. Cầu dài 224m, rộng 6,5m, vận tốc thiết kế 40km/h, 2 làn xe gồm 1 làn xe ô tô và 1 làn xe hỗn hợp lưu thông 1 chiều theo hướng Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ. Các loại xe được đi gồm xe máy, xe ô tô dưới 9 chỗ, xe buýt, xe tải dưới 16 tấn. Dự án có tổng mức đầu tư 122 tỷ đồng.
Sau đó 4 tháng, ngày 27-8-2013, Sở GTVT khánh thành tiếp 2 cầu vượt thép tại nút giao đường 3 tháng 2 - Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ (quận 10) và Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình). Cầu vượt ở quận 10 có tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng, dài 388m, rộng 9,5m, gồm 2 làn xe cho xe máy, ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt lưu thông. Cầu vượt quận Tân Bình có tổng mức đầu tư 246 tỷ đồng, dài 268m, rộng 9,5m, có 2 làn xe cho ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt. 2 cây cầu vượt này hoàn thành sau 4 tháng thi công.
Cũng trong năm 2013, ngày 19-10, cầu vượt thép hình chữ Y tại vòng xoay Cây Gõ (quận 6) cũng đã được khánh thành đưa vào sử dụng sau 5 tháng thi công nhằm giải quyết ùn tắc cho cửa ngõ phía Tây TP, kết nối với các tỉnh miền Tây. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 456 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng cầu 339 tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài 580m, nhánh thông qua Hồng Bàng dài 350m, rộng 12-15,5m, xe có thể lưu thông 2 chiều; nhánh rẽ nằm trên đường 3 tháng 2 dài 230m, rộng 6,5m với 1 chiều lưu thông.
Việc xây dựng cầu vượt thép là giải pháp trước mắt nhằm giải quyết bài toán kẹt xe cho TPHCM. Mục đích của việc xây dựng cầu vượt thép còn nhằm giảm kinh phí đầu tư, nhưng hiện giá thành không giảm mấy so với cầu bằng bê tông, thậm chí về lâu dài có thể còn cao hơn. |
Việc đưa vào sử dụng các cây cầu vượt thép có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh giao thông TP thường xuyên ùn tắc. Cầu có ưu điểm thi công nhanh, chi phí xây dựng thấp. Tuy nhiên, cầu vượt nhẹ Thủ Đức kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay chưa đầy 3 năm đã bị lún 2 lần. Lần đầu tiên cầu Thủ Đức bị lún vào tháng 3-2013. Lúc đó, Sở GTVT lý giải nguyên nhân do mật độ xe lưu thông quá lớn (khoảng trên 10.000 xe/ngày đêm/làn), tải trọng xe quá lớn (khoảng 100 tấn/45 tấn so với tiêu chuẩn xe tải thông thường của Việt Nam).
Và khi cầu vượt Thủ Đức tiếp tục lún, trồi nhựa đường, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT), đơn vị quản lý cây cầu này, tiếp tục lý giải nguyên nhân lún do thiếu làn cho xe lưu thông. Toàn bộ lượng xe, nhất là xe container, xe tải nặng từ hướng cầu Đồng Nai về TPHCM và từ hướng Cảng Cát Lái, nội thành TPHCM ra đều tập trung lưu thông lên cầu, dẫn đến hư hỏng, mặt cầu lún 1-3cm.
Để sớm khắc phục tình trạng sụt lún, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu Sở GTVT báo cáo và đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn phương án xử lý triệt để tình trạng lún mặt bêtông nhựa. Trước mắt, Sở GTVT thực hiện ngay các giải pháp kỹ thuật để khắc phục hiện tượng hằn lún mặt bêtông nhựa nêu trên, đảm bảo an toàn cho xe cộ qua lại tại khu vực và thường xuyên kiểm tra.
Theo một chuyên gia ngành giao thông, cầu Thủ Đức bị hư hỏng, xuống cấp nặng sau chưa đầy 3 năm sử dụng, trong khi công trình có tuổi thọ thiết kế 100 năm là rất khó chấp nhận.
“Chúng ta không thể đổ lỗi cho khách quan do xe lưu thông nhiều, xe quá tải dẫn đến cầu vượt Thủ Đức nhanh xuống cấp, mà phải thẳng thắn thừa nhận cầu vượt thép đặt ở vị trí giao thông đó không phù hợp và chất lượng công trình có vấn đề. Nếu biết đây là trục đường có xe tải, container lưu thông thường xuyên, sức tàn phá cầu đường lớn, vậy sao không xây hầm chui mà lại xây cầu vượt thép?” - vị chuyên gia bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là nút giao thông cửa ngõ phía Đông TP với lượng xe lưu thông rất đông, xây dựng cầu bê tông ở khu vực này sẽ bảo đảm an toàn và đỡ tốn kém trong việc duy tu bảo dưỡng. Dù đã tiến hành sửa chữa 2 lần nhưng về lâu dài, cây cầu này sẽ còn tiếp tục sửa chữa, thậm chí phải đầu tư thêm kinh phí để gia cố.
“Hiện toàn TP đã có 6 cầu vượt thép được lắp đặt, TP nên ngồi lại để đánh giá nó có thực sự tốt và tiết kiệm hơn so với cầu vượt bê tông hay không” - một chuyên gia giao thông kiến nghị.