Sự cố giao thông ở cửa hầm sông Sài Gòn (TP.HCM) vừa qua khiến ùn tắc giao thông nặng nề trên đường nối Q.2 sang trung tâm thành phố. Nhiều người cho rằng nếu có cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4 sẽ giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông.
Công trường thi công cầu Thủ Thiêm 2 (ảnh chụp sáng 21-11) - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong khi đó, dự án xây cầu Thủ Thiêm 2 triển khai hơn ba năm rưỡi vẫn ì ạch.
Chờ mặt bằng
Ngày 12-11, công trường xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (bắc qua sông Sài Gòn, nối Q.1 và Q.2) do Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) có khoảng 150 kỹ sư và công nhân đang tất bật thi công. Xe lu lu lèn bảo dưỡng lớp nhựa đầu tiên trên nền đường dẫn vào cầu ở phía khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các mố trụ cầu, sàn giảm tải đã được xây dựng.
Phần móng bệ trụ chính (trụ tháp dây văng) đã hoàn thành thi công 32 cọc khoan nhồi và đổ bêtông bệ trụ tháp chính cầu cao 113m. Phía bờ Q.1, công nhân đang thi công hệ thống thoát nước trên đường Tôn Đức Thắng.
"Thời gian thi công trên công trường đều vào ban đêm và đảm bảo theo tiến độ của các gói thầu. Tuy nhiên, do đang vướng giải tỏa nhiều nhất ở Q.1, chưa nhận bàn giao mặt bằng nên chưa thể thi công các hạng mục cầu dẫn phía Q.1" - một kỹ sư công trường cho biết.
Do vướng giải tỏa, đền bù
Tháng 2-2015, khi khởi công xây cầu Thủ Thiêm 2, nhà đầu tư hứa hẹn hoàn thành công trình trong năm 2018. Lãnh đạo Công ty Đại Quang Minh cho biết sau ngày tổ chức lễ động thổ, nhà đầu tư mới triển khai lựa chọn đơn vị thiết kế kỹ thuật và lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải, các sở ngành. Ngày 29-2-2016, UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận cho phép lựa chọn đơn vị tư vấn WSP Phần Lan để triển khai công tác khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật.
Trong quá trình thiết kế tư vấn có điều chỉnh theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tĩnh không thông thuyền. Do đó, chủ đầu tư tiếp tục lấy ý kiến của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa thống nhất vị trí trụ tháp S2 và tải trọng va tàu, cũng như tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia và cơ quan chức năng về các thông số quan trọng như tải trọng động đất, thông số gió, hoàn thành công tác thí nghiệm hầm gió...
"Thực tế đến tháng 4-2017 công trình mới bắt đầu triển khai thi công các vị trí không vướng mặt bằng phía Q.2 và đến nay đạt 16% giá trị khối lượng công trình" - vị lãnh đạo Công ty Đại Quang Minh cho biết.
Mới đây, trong văn bản báo cáo UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải - thừa nhận tiến độ giải tỏa bàn giao mặt bằng cho dự án trên quá chậm. Đến nay, còn một phần đất ở Công ty Ba Son (11.115m2) vẫn chưa bàn giao cho công trình, chủ đầu tư vẫn chưa nhận bàn giao 1.607m2 đất do Bộ tư lệnh Hải quân quản lý cũng như đất của sáu hộ dân và hai tổ chức ở phía Q.1.
Trước tình hình giải tỏa chậm, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Hội đồng thẩm định bồi thường, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - môi trường, UBND Q.1 và các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu hỗ trợ di dời, thu hồi đất để bàn giao mặt bằng.
Theo kiến nghị của chủ đầu tư gửi Sở Giao thông vận tải, nếu đến ngày 30-10-2018 nhận đủ mặt bằng, dự án sẽ thi công và hoàn thành vào tháng 4-2020. Tiến độ giao mặt bằng càng chậm thì thời gian hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 còn kéo dài, chưa thể xác định thời gian hoàn thành.
6 làn xe
Cầu Thủ Thiêm 2 - Ảnh: T.L.
Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 2 có sáu làn xe, tổng chiều dài 1.465m. Trong đó phần cầu dài 850m, được thiết kế cầu dây văng với trụ tháp chính cao 113m, hình dáng kiến trúc cầu rồng, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Mặt cầu chính rộng 27,8m.
Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Theo chủ đầu tư, công trình được đầu tư theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao), dự kiến xây dựng trong 30 tháng.
DiaOcOnline.vn - Theo TTO