Top

Bàn cách gỡ khó cho ngành vật liệu

Cập nhật 19/12/2017 14:19

Dù đã có nhiều bước phát triển và trở thành ngành kinh tế quan trọng, nhưng ngành vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều nút thắt cân gỡ để có thể phát triển đúng với tiềm năng.

Vật liệu thân thiện với môi trường là hướng đi cần phát huy. Ảnh: Nguyễn Thành

Cơ bản đáp ứng nhu cầu nội địa, bắt đầu xuất khẩu

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội nghị vật liệu xây dựng toàn quốc tổ chức tuần qua, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ và dần hội nhập với thế giới, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành xây dựng, bất động sản của nước nhà.

“Giai đoạn trước 2010, các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ lực tại Việt Nam như xi măng, kính xây dựng, gạch ốp lát… chủ yếu còn nhập khẩu. Từ 2010 đến nay, ngành vật liệu xây dựng có nhiều thành tựu lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại ngang tầm khu vực và các nước phát triển. Các chủng loại vật liệu xây dựng cơ bản thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, một số sản phẩm đã tham gia vào thị trường xuất khẩu”, ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Một trong những yêu cầu cấp bách của ngành trong thời điểm hiện tại là phát triển các loại vật liệu mới, thay thế vật liệu truyền thống.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, những năm gần đây, vật liệu xây dựng và quá trình sản xuất luôn gắn bó mật thiết tới vấn đề môi trường. Những năm tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng để phát triển các loại vật liệu thân thiện môi trường như gạch không nung, vật liệu xây dựng từ tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý. Trong đó, ưu tiên sử dụng tro, xỉ cho các khâu san lấp mặt bằng, làm đường là những khâu sử dụng khối lượng lớn vật liệu xây dựng.

“Hiện chúng ta đã có các công trình nghiên cứu khá đầy đủ về các loại vật liệu không nung, việc ban hành các quy chế, chính sách hỗ trợ cũng đã có. Giai đoạn tới, sẽ là giai đoạn triển khai ứng dụng và cần có sự vào cuộc, hưởng ứng nhiệt tình từ phía các doanh nghiệp, địa phương”, ông Thành nhấn mạnh.

Góc nhìn thẳng

Theo ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, trong dự báo chiến lược phát triển vật liệu xây dựng, thì bước phát triển vật liệu không nung ở trạng thái dịch chuyển ì ạch từng bước, chiếm 10% sản lượng năm 2010, 30% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020, do thiếu điểm tựa để phát triển.

Ông Kim cho rằng, dù quá trình đổi mới hoạt động của ngành đã khởi động trên 20 năm, nhưng chúng ta vẫn chưa có đột phá trong dự báo đầu tư phát triển đi trước một bước về chuyển đổi sản xuất vật liệu không nung một cách kiên quyết bằng chính sách và luật pháp. Việt Nam còn duy trì sản phẩm vật liệu nung trong kế hoạch phát triển năm 2010 và những năm tiếp theo ở mức cao (50 - 70%).


Các chuyên gia khuyến nghị nên sử dụng cát nhân tạo thay cho cát tự nhiên.

Mức thuế khai thác tài nguyên, cũng như thuế về xâm hại môi trường rất thấp, cùng với việc thực thi chế tài không nghiêm, nên chưa có tác dụng làm hạn chế phát triển vật liệu nung. Trong khi đó, việc phát triển gạch không nung còn thiếu chính sách cụ thể về thuế, về ưu đãi đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất loại vật liệu này.

“Thực tế vừa qua có nhiều cấp chỉ huy, nhưng lại thiếu một nhạc trưởng đứng ở vị trí phù hợp để điều hành có hiệu lực và hiệu quả về phát triển vật liệu xây dựng nói chung, vật liệu không nung nói riêng”, ông Kim nhìn nhận.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, vấn đề lớn mà ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đang phải đối mặt đó là năng suất lao động thấp, dẫn đến hiệu quả chưa cao, sức cạnh tranh còn hạn chế.

Nguyên nhân của vấn đề này đến từ các yếu tố như công nghệ, quy mô nhỏ lẻ. Việt Nam chưa hình thành được những tập đoàn lớn về vật liệu xây dựng để đầu tư mạnh cho công nghệ. Ngoài ra, năng lực quản lý của doanh nghiệp còn hạn chế, chậm đổi mới cả trong sản xuất lẫn công tác nghiên cứu, phát triển thị trường.

"Theo tôi, chúng ta cần có kế hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản bàn bản hơn, sử dụng rác thải, phế thải nhiều hơn, dùng cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên. Ở lĩnh vực vật liệu, cần có các hội nghị toàn quốc chuyên sâu về công trình xanh, vật liệu xây dựng xanh để có cái nhìn tổng thể phát triển ngành", ông Cung nói.

Kiến nghị từ địa phương

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh đã rà soát khối lượng tro, xỉ tại 2 nhà máy nhiệt điện là Duyên hải 1 và Duyên Hải 3. Tính đến hết ngày 3/8/2017, tổng sản lượng đạt khoảng 2 triệu tấn. Lượng tro, xỉ được tiêu thụ đạt khoảng 190.000 tấn, tức còn khoảng trên 1,8 triệu tấn chưa được sử dụng. Về lâu dài, lượng tro, xỉ này sẽ tiếp tục tăng lên, nên cần nhiều hơn các giải pháp sử dụng tro, xỉ trong xây dựng và các lĩnh vực khác.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp; ban hành tiêu chuẩn về kỹ thuật thi công, nghiệm thu tro, xỉ, nhiệt điện làm vật liệu; hướng dẫn kỹ thuật thiết kế cấp phối bê tông sử dụng tro bay, kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông đầm lăn có sử dụng tro, xỉ than. Làm được điều này, địa phương và các doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh sự phát triển của vật liệu mới”, ông Hoàng kiến nghị.

Còn ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam hiện có 1 dự án sản xuất gạch bê tông khí chưng áp AAC, công suất 70 triệu viên/năm, dự án đã đầu tư hoàn chỉnh nhưng phải dừng sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm. Ngoài ra, 1 dự án khác có công suất tương đương cũng phải chuyển hướng sang sản xuất gạch xi măng cốt liệu.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành chức năng liên quan sớm nghiên cứu giải pháp khắc phục những nhược điểm của loại vật liệu gạch không nung (độ hút nước cao, không phù hợp với điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều, trọng lượng lớn hơn gạch đất sét nung khiến kết cấu chịu lực công trình tăng); công bố định mức chi phí sản xuất để có cơ sở xác định và thống nhất giá khi đưa vào công bố giá vật liệu của các địa phương. Vì thực tế, mức chênh lệch giữa giá sản xuất và mức công bố giá hiện có mức rất lớn, khoảng 20 - 25%”, ông Thắng kiến nghị.

Tương tự, ông Lê Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa đề xuất, thời gian tới cần kiểm soát và không cho phép đầu tư dự án mới hoặc nâng công suất dự án sản xuất gạch nung tuynel sử dụng công nghệ, nguyên liệu là đất sét ruộng. Ngoài ra, phải xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công, lò đứng, lò đứng liên tục và chuyển đổi công nghệ lò vòng theo lộ trình quy định; ưu tiên, bố trí vốn đầu tư cho các công trình vốn ngân sách nhà nước sử dụng 100% vật liệu xây không nung.     

Về phía các chuyên gia, ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Giám đốc Quốc gia/Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường UNDP cho biết, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vật liệu xây dựng không nung, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất. Các công cụ chính sách thuế, phí môi trường cần được điều chỉnh hợp lý, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật và giám sát áp dụng.

“Cần triển khai sử dụng vật liệu mới ở các công trình công cộng để tạo nguồn cầu và tăng lòng tin của người dân vào các sản phẩm mới này”, ông Lai nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản