Krugman viết cuốn Sự trở lại của kinh tế học suy thoái vào năm 1999. Sau đó đúng 10 năm, cuốn sách được tái bản với nhiều phần bổ sung. Sự trở lại của cuốn sách giờ đã mang một ý nghĩa khác hẳn, không chỉ bởi tác giả của nó vừa mới đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008, mà còn bởi, cũng năm ấy, một cuộc khủng hoảng kinh thiên động địa đã trở lại như những dự phóng của ông.
Hài hước và bình dân, Krugman đã không dùng những thuật ngữ và mô hình hàn lâm để lý giải khủng hoảng. Ông viết bằng thứ ngôn ngữ đời thường để những người bình thường có thể hiểu được những gì đang diễn ra trong một thế giới kinh tế phức tạp. Thi thoảng, Krugman đơn giản hóa thế giới đó bằng những ẩn dụ và so sánh ngộ nghĩnh.
Hợp tác xã giữ trẻ
Nổi bật trong cuốn này là ví dụ về Hợp tác xã giữ trẻ đồi Capitol của Richard Sweeney mà Krugman đưa vào để lý giải khủng hoảng. Đại khái, khoảng 150 cặp vợ chồng trẻ làm việc cho quốc hội sẽ thoả thuận để chăm sóc và giữ con cái cho nhau.
Họ cùng tham gia vào một hợp tác xã trông trẻ. Ban quản lý hợp tác xã này sẽ phát hành các phiếu coupon, mỗi coupon tương đương với một giờ giữ trẻ, có nghĩa là mỗi cặp vợ chồng phải trả 1 coupon cho mỗi giờ người khác trông con của họ và nhận được 1 coupon cho mỗi giờ đi trông con người khác.
Mọi chuyện tưởng đơn giản trở nên phức tạp khi những cặp vợ chồng có thời gian rỗi liên tục nhận giữ trẻ cho người khác để dự trữ coupon dùng sau này (cho những lần đi chơi xa). Ai cũng cố gắng tiết kiệm coupon và đến một lúc còn rất ít coupon lưu hành trong cộng đồng. Cơ hội giữ trẻ trở nên hiếm hoi và việc kiếm coupon trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Khi đó, hợp tác xã rơi vào suy thoái.
Suy thoái xảy ra do các cặp vợ chồng mất niềm tin rằng sẽ dễ dàng có được coupon trong tương lai, họ tìm mọi cách găm giữ coupon. Vậy giải pháp đơn giản là in thêm nhiều coupon hơn nữa để phát hành. Sự căng thẳng về coupon được giải tỏa và cuộc khủng hoảng nhanh chóng qua đi.
Thế giới thực cũng tương tự như thế giới của hợp tác xã giữ trẻ này. Ví dụ như cuộc khủng hoảng những năm 1930 đã xảy ra sau khi thị trường chứng khoán sụp. Hệ thống ngân hàng bị sụp đổ, tín dụng khan hiếm và người dân không tiêu dùng hay đầu tư nữa bởi mất niềm tin. Câu chuyện na ná giống với hợp tác xã trên.
Cuộc đại khủng hoảng năm 1930 đã kéo dài và để lại những hậu quả nghiêm trọng bởi những người làm chính sách đã không thực hiện biện pháp mà ban quản lý nhà trẻ kia đã áp dụng: in thêm coupon tức tiền. Chế độ bản vị vàng đã ngăn cản việc in thêm tiền để kích cho nền kinh tế sống động trở lại.
Sau cuộc Đại khủng hoảng những năm 30 đó, thế giới tưởng như đã tìm được cách trị khủng hoảng hữu hiệu. Chế độ bản vị vàng bị xóa bỏ, "ban quản lý hợp tác xã trông trẻ" (tức các ngân hàng trung ương) tuỳ nghi bơm hay rút tiền mặt ra khỏi nền kinh tế khi thấy cần thiết.
Kinh tế học Keynes ra đời, khẳng định vai trò quan trọng của chi tiêu chính phủ trong việc kích thích nền kinh tế mỗi khi nó đi xuống. Tóm lại, mở rộng tín dụng mạnh mẽ trong những giai đoạn suy thoái là bài thuốc.
Mùa đông suy thoái
Nhưng cuộc đời nào đơn giản thế. Krugman lại quay trở về câu chuyện hợp tác xã trông trẻ trên để tiếp tục nghiên cứu. Giả sử để mở rộng hơn nữa nguồn cung coupon cho các cặp vợ chồng, hợp tác xã cho phép họ vay coupon từ ban quản lý khi cần thiết. Tất nhiên, họ phải trả lại nhiều coupon hơn với tỉ lệ chênh lệch được coi là “lãi suất”. Như vậy, ban quản lý có thêm một công cụ nữa để điều tiết cung cầu giữ trẻ.
"Mùa đông suy thoái" đã cuốn vào mình tất cả các nền kinh tế trên thế giới
Nguồn: quickhoney.com
Nhưng sẽ ra sao nếu cung cầu này mang tính thời vụ. Có nghĩa là trong mùa đông, các cặp vợ chồng có xu hướng ở nhà không ra ngoài. Nhu cầu cần người trông trẻ rất ít trong khi những người muốn trông trẻ để tích luỹ coupon cho mùa hè lại rất nhiều. Như vậy, cho dù lãi suất coupon có bằng 0 hay ban quản lý bơm thêm coupon vào thị trường thì hiệu quả thu được cũng rất ít. Cơ hội có việc làm giữ trẻ khan hiếm và hợp tác xã vẫn suy thoái.
Nước Nhật Bản đã ở trong một mùa đông như vậy suốt thập niên 90 của thế kỷ trước. Kinh tế Nhật suy thoái trầm trọng sau vụ vỡ bong bóng trên thị trường nhà đất và chứng khoán. Niềm tin rạn vỡ trầm trọng và cho dù đã hạ lãi suất xuống tận 0% trong nhiều năm liền, nền kinh tế vẫn không thể khởi sắc được.
Có thể "sự lão hóa dân số và lo lắng chung về tương lai" đã khiến công chúng Nhật Bản không chi tiêu tương xứng với khả năng. Tình huống Nhật Bản đã chứng minh không phải cứ mở rộng cung tiền tệ đã là chìa khóa vạn năng.
Vòng luẩn quẩn của niềm tin
Tình huống khủng hoảng ở những quốc gia Châu Á năm 97, Mexico năm 1995 hay Argentina năm 2002 lại diễn ra theo một kịch bản hơi khác. Khi dòng vốn nước ngoài ồ ạt chảy vào các quốc gia này, một thời kỳ thịnh vượng mới tưởng như đã mở ra với những bong bóng. Tuy nhiên, khi bong bóng vỡ hay vì lý do nào đó làm sụp đổ niềm tin, dòng ngoại tệ bỗng chảy ra như nước, tạo sức ép lớn lên đồng tiền bản địa.
Các nước khủng hoảng đành phải thực hiện việc nâng lãi suất trong nước và sử dụng tới mức cạn kiệt nguồn ngoại tệ dự trữ để giữ vững tỉ giá đang neo vào đôla. Cho tới khi không kìm hãm thêm được nữa, họ buộc phải phá giá đồng tiền.
Nguồn: wordpress.com
Giảm giá đồng tiền, rút tiền ồ ạt và tăng lãi suất càng làm cho các doanh nghiệp, hộ gia đình và ngân hàng lâm vào cảnh khó khăn tài chính. Khó khăn càng làm người ta mất niềm tin hơn vào nền kinh tế, khiến cho kinh tế rơi vào suy thoái sâu hơn.
Nghịch lý là theo Keynes, khi kinh tế suy thoái thì phải hạ lãi suất, tăng chi tiêu để kích tín dụng lên. Nhưng trong tình huống này, các chính phủ lại phải chọn giải pháp tăng lãi suất vì lo sợ yếu tố đầu cơ làm cho ngoại tệ tiếp tục chảy ồ ạt ra khỏi lãnh thổ. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng tài trợ với yêu cầu các nước này phải thắt chặt tiền tệ: tăng thuế và giảm chi tiêu.
Tình huống các quốc gia Châu Á và Mỹ Latinh trên lại chứng minh rằng, không phải lúc nào khủng hoảng cũng dễ dàng thực hiện được bài thuốc mở rộng tín dụng mạnh mẽ.
Không có thuốc trị khủng hoảng
Krugman đã khảo sát các cuộc khủng hoảng kinh tế và ông nhận thấy dường như mọi cuộc khủng hoảng đều có một điểm chung: niềm tin tiêu cực tự nó biến thành sự thật. Cho dù niềm tin tiêu cực thể hiện ở thị trường tiền tệ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản hay thị trường hàng hóa tiêu dùng thì chúng cũng tạo ra những hệ luỵ nguy hiểm cho nền kinh tế. Suy thoái chìm sâu vào suy thoái, khủng hoảng lại tạo ra khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng hoàn toàn tương tự như thế, nó là sự tổng hợp nhiều đặc điểm của toàn bộ những cuộc khủng hoảng đã từng diễn ra. Và cho tới bây giờ, vẫn thấy chỉ có liều thuốc là các gói kích thích kinh tế, mở rộng tín dụng.
Paul Krugman cũng chưa đưa ra được "toa thuốc" nào mới để điều trị khủng hoảng
Nguồn: neoformix.com
Krugman cũng không đưa ra được giải pháp nào mới trong ngắn hạn ngoài việc kêu gọi kích thích tín dụng: "nếu những gì đã làm là chưa đủ, phải tiếp tục làm và làm cả những việc khác, cho đến khi tín dụng bắt đầu chẩy và nền kinh tế thực bắt đầu hồi phục."
Trong dài hạn, Krugman cũng chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều tiết thị trường tài chính và quản lý quá trình toàn cầu hóa tài chính sao cho chúng không đi theo những quỹ đạo rủi ro quá mức. Đây cũng không phải là những ý mới.
Thế giới thực tất nhiên phức tạp hơn nhiều so với vườn trẻ trong giả định của Krugman. Quản lý nền kinh tế thực chắc chắn cũng phức tạp hơn hợp tác xã giữ trẻ giả định trên. Nhưng có vẻ các suy thoái trong hai thế giới đó khá giống nhau về bản chất tự nhiên của chúng và giải pháp loại trừ khủng hoảng cũng không có gì cao siêu ngoài việc “bơm” coupon nhiều hơn nữa. Cho dù, lịch sử đã chứng minh biện pháp đó không phải lúc nào cũng hiệu quả và thực hiện được.
Nếu thế thì, 2008 sẽ chưa thể là cuộc khủng hoảng cuối cùng và Krugman cũng không tự "vơ" vào mình trách nhiệm kê ra "toa thuốc miễn dịch" khủng hoảng cho bất kỳ nền kinh tế nào, điều ông làm được, có chăng là những kiến giải minh triết và đi vào bản chất mà thôi.
DiaOcOnline.vn - Theo TuanVietNam