Để một thương hiệu thành công và nổi tiếng trên thương trường, các doanh nghiệp cần phải triển khai rất nhiều kế hoạch cụ thể trong hiện tại cũng như tương lai. Việc đầu tư thích đáng cho công tác thiết kế thương hiệu sẽ mang lại sự tự tin, tạo ra được ấn tượng ban đầu tốt đẹp về sản phẩm/dịch vụ của họ trong tâm trí khách hàng.
Thiết kế thương hiệu chỉ là một trong số các bước ban đầu của quá trình xây dựng thương hiệu và có vai trò rất quan trọng, nó không chỉ đơn thuần là công việc của các họa sĩ mà là kết quả tổng hợp của các ý tưởng và sự sáng tạo.
Có phải bạn cũng giống như các chủ doanh nghiệp khác, bạn coi biểu tượng (logo) của thương hiệu là dấu hiệu quan trọng nhất? Nếu coi tên thương hiệu là trung tâm của thương hiệu, thì logo sẽ làm nổi bật thương hiệu thông qua thị giác, đặc biệt trong điều kiện khi mà người tiêu dùng có rất ít thời gian để đọc các thông tin về hàng hóa. Do đó, bạn nên tập trung đầu tư nhiều công sức và ý tưởng để có thể tự hào nói rằng mình có một logo đẹp và ấn tượng. Nhưng còn rất nhiều yếu tố khác thì sao? Logo chỉ là một bộ phần. Một logo đẹp, ấn tượng chưa đủ để thương hiệu của bạn thu hút và hấp dẫn khách hàng.
Vậy bạn phải làm gì nữa? Câu trả lời nằm trong một từ duy nhất: sự phối hợp. Tất cả các yếu tố cấu thành thương hiệu phải được kết hợp sinh động và hài hòa với nhau. Nó phải truyền tải cùng một thông điệp, thể hiện cùng một phong cách, và cùng gây một ấn tượng đối với khách hàng. Làm sao khi khách hàng nhìn thấy thương hiệu của bạn ở bất cứ đâu, trên đường phố, trong các cửa hiệu, đồ dùng văn phòng hay sách và tạp chí… nó đều tạo cho họ một cảm giác quen thuộc.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là nhất thiết tất cả các yếu tố cấu thành thương hiệu đều phải hoàn toàn phù hợp với nhau, nhưng có một số yếu tố quan trọng phải đảm bảo được nguyên tắc này, đó là:
Về màu sắc: Màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định thương hiệu, bởi vì nó có vai trò rất lớn trong việc gợi lại trí nhớ của khách hàng. Màu sắc phải đơn giản, dễ nhận biết cũng như ghi nhớ. Khá dễ dàng để nhớ nếu như bức tranh hay hình ảnh nào đó chỉ có hai màu sắc, còn nếu nó được pha trộn bởi đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng… thì chắc sẽ rất khó để khách hàng có thể hình dung lại.
Bởi vậy, để thể hiện hình ảnh của công ty bạn, tốt nhất chỉ nên sử dụng hai màu sắc. Màu sắc thứ nhất, bạn hãy chọn trong số các màu cơ bản mà bạn cho là nó thích hợp nhất với hình ảnh của công ty bạn (tốt nhất có thể tham khảo bảng màu sắc của hệ thống thích hợp Pantone - Pantone Matching System - PMS - hãy hỏi nhà thiết kế màu sắc trong công ty bạn về hệ thống này nếu bạn cần sự giúp đỡ).
Sau khi đã chọn được màu sắc thứ nhất, bạn hãy sử dụng nó như là một màu nổi trội nhất để thể hiện trên tất cả các yếu tố cấu thành thương hiệu. Còn màu sắc thứ hai, bạn phải chọn sao cho nó không lấn át màu sắc chủ đạo thứ nhất. Hãy chú ý, nơi thể hiện màu sắc rõ nét nhất, chính là trong logo của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến ý nghĩa của màu sắc khi lựa chọn màu chủ đạo. Ví dụ, bạn có thể liên tưởng đến đèn tín hiệu giao thông. Màu xanh lá cây có nghĩa là đi. Màu đỏ có nghĩa là dừng lại. Màu vàng có nghĩa là giảm tốc độ. Bạn cần phải nắm được một số quy tắc về màu sắc để tác động lên cảm xúc của khách hàng.
Các yếu tố tạo nên sự sinh động của thương hiệu:
Các yếu tố tiếp theo mà phải tạo ra được sự nhất quán trong quá trình thiết kế thương hiệu, đó chính là biểu tượng, hình dáng và đường viền trang trí. Ví dụ, một công ty công nghệ cao có thể mô tả biểu tượng bằng các hình ảnh đậm nét, có góc cạnh, trong khi một cửa hàng quần áo có thể sử dụng các hình dáng tròn trịa, mềm mại hơn.
Hãy chọn hình dáng đơn giản, không rườm rà, điều này sẽ khiến cho khách hàng dễ nhớ và dễ nhận biết hơn. Con người nhớ các biểu tượng, hình dáng của thương hiệu một cách tổng thể chứ không phải từng chi tiết riêng biệt. Do đó một thiết kế đơn giản, nhưng độc đáo sẽ hiệu quả nhất.
Tương tự như vậy, hãy chọn một hình ảnh hay một phong cách minh họa riêng biệt khi thiết kế thương hiệu. Và thường để rõ nét và tránh những thiết kế ẩu được ngụy trang bằng màu sắc, bạn nên thiết kế trước bằng hai màu đen và trắng. Sau đó mới chuyển tải các màu sắc vào sau.
Phông chữ: Sự ấn tượng của thương hiệu đối với khách hàng đôi khi chỉ là sự sắp xếp các chữ theo một trật tự sáng với một phông chữ thích hợp. Bạn chỉ nên sử dụng một vài loại phông chữ, và trong đó có ít nhất một phông chữ có chân và một phông chữ không có chân. (Phông chữ có chân, ví dụ như Time New Roman, thường có chân ở đuôi chữ; còn Helvetica là một ví dụ của kiểu chữ không chân).
Hai kiểu phông chữ này nên được kết hợp sử dụng thường xuyên. Kiểu chữ có chân rất dễ nhìn và đẹp khi thể hiện một nội dung tương đối dài, trong khi kiểu chữ không chân nên được sử dụng trong các tiêu đề, chữ số trong các biểu đồ, đoạn text ngắn hoặc những đoạn text không có màu sắc. Bạn nên tránh sử dụng nhiều hơn hai phông chữ trong cùng một tài liệu giống nhau.
Thông điệp: Những thông điệp hay khẩu hiệu về thương hiệu được bảo hộ bản quyền sẽ giúp bạn truyền tài hình ảnh công ty bạn đến khách hàng. Hãy sử dụng cùng một thông điệp và ngữ điệu trên tất cả các phương thức tiếp thị và quảng cáo khác nhau. Ví dụ, nếu muốn thương hiệu của bạn thân thuộc và gần gũi, hãy sử dụng ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Nếu đó là thương hiệu đắt giá và độc quyền? Hãy sử dụng ngôn ngữ nghi lễ, chính thống.
Nếu muốn nhấn mạnh hơn một từ nào đó mà bạn cho là quan trọng trong thông điệp, bạn có thể làm nổi bật từ đó lên, hoặc để dễ nhớ và đi vào lòng khách hàng. Thông điệp của bạn nên ngắn gọn, xúc tích.
Cách sử dụng logo: Logo là hình ảnh sinh động, cơ bản nhất trong các yếu tố cấu thành thương hiệu. Bạn nên để thương hiệu xuất hiện trên tất cả các sản phẩm và trong quá trình làm việc của bạn ở bất cứ nơi nào, khi nào có thể. Và logo nên được xuất hiện dưới cùng một kích cỡ và vị trí trên một trang giấy. Việc mở rộng hay thu nhỏ kích cỡ logo có thể chấp nhận được, nhưng điều tối kỵ đối với logo là thiết kế lại và thay đổi nó. Việc hình ảnh logo được thể hiện kiên định, trước sau như một là rất quan trọng và cần thiết.
Bạn nên nhớ rằng, việc được thừa nhận và công nhận là chìa khóa để kinh doanh tăng trưởng. Hãy tạo ra sự thân thuộc, gần gũi trên mọi phương tiện quảng cáo và tiếp thị đối với khách hàng và người tiêu dùng. Làm được điều này, bạn sẽ thắng được đối thủ cạnh tranh và xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu của bạn.
DiaOcOnline.vn - Theo Lantabrand