Top

Bài học khởi nghiệp từ đế chế thời trang Coco Chanel

Cập nhật 17/01/2014 15:14

Coco Chanel là thương hiệu nổi tiếng nhất trong làng thời trang, tiêu biểu cho phong cách lộng lẫy và quyến rũ. Câu chuyện về con đường tạo dựng đế chế thời trang của cô bé Chanel mồ côi khiến ta không khỏi cảm phục.

Coco Chanel, người phụ nữ gây dựng nên đế chế thời trang mang tên bà.

Chanel sinh ngày 19/8/1883 tại Pháp trong một gia đình lao động. Những năm tháng tuổi thơ, cô phải lang thang trong những ngôi chợ miền Tây nước Pháp nơi cha bán hàng.

Năm Chanel 12 tuổi, cô gái nhỏ trải qua quá nhiều bất hạnh khi mẹ mất, cha lại bỏ đi. Cô được gửi vào trại tế bần, cũng chính tại đây những bài học đầu tiên về may vá cô được chỉ dạy.

Cô dần yêu thích những mảnh vải đủ họa tiết, chỉ nhiều màu sắc, chiếc kim nhỏ xinh, và mong muốn tạo ra những bộ quần áo mỗi ngày.

Ý tưởng và những bước khởi nghiệp ban đầu

Năm 20 tuổi, Chanel quyết định tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình. Cô xin làm thuê tại hiệu may Ariette và được chủ hiệu may nhận ngay bởi họ nhận thấy sự khéo léo của cô.

Xu hướng thời trang đầu thế kỷ 20 đã tạo cho Chanel nhiều ý tưởng. Vào thời đó, trang phục cho phái nữ duyên dáng nhưng rườm rà, bất tiện. Váy nhiều tầng quét sàn và áo nịt ngực chặt khiến việc thực hiện những công việc đơn giản nhất cũng trở thành thử thách.

Sự tự tin vào bản thân và tính thực tế đã thôi thúc cô phải thiết kế ra những trang phục thoải mái, tiện lợi để giải phóng sự gò bó trên.

Bài học khởi nghiệp từ đế chế thời trang Coco Chanel - Ảnh 2Phong cách thời trang trước khi xuất hiện các trang phục tiện dụng của Chanel.

Phong cách thời trang trước khi xuất hiện các trang phục tiện dụng của Chanel.

Năm 1909, khi 26 tuổi, Chanel tới Paris và tại đây cô đã bắt tay thực hiện những hoài bão mà cô từng ấp ủ bấy lâu.

Cô bắt đầu với cửa hàng mũ trên đường Cambon. Cửa hàng đã tạo ra dấu ấn và thành công. Bởi những sản phẩm hoàn toàn không thời trang nhưng tạo được sự đơn giản và tiện lợi, thay thế cho những chiếc mũ “hợp mốt” cồng kềnh với phong cách giỏ trái cây.

Năm 1913, được hỗ trợ tài chính từ những người quen biết, cửa hiệu Chanel mới được khai trương. Nhưng giờ đây, đó không phải là một cửa hiệu bán mũ mà là cửa hiệu bán quần áo may sẵn.

Bộ sưu tập của Chanel là bộ sưu tập đầu tiên chỉ dành riêng cho phụ nữ. Bộ sưu tập không có nẹp áo, không xếp nếp, không áo nịt ngực, nó khác biệt bởi sự đơn giản, phong cách, nhưng quan trọng nhất là tính tiện dụng.

Cơ hội giữa thời chiến

Mùa hè năm 1914, đại chiến thế giới thứ nhất nổ ra, khắp Châu Âu là đói nghèo và đau khổ hoành hành.

Trong thời gian đó, thời trang cao cấp là không thích hợp. Nhưng giữa đói nghèo và tuyệt vọng, chiến tranh, Chanel đã có một cơ hội.

Phụ nữ thời chiến cần những trang phục làm việc thuận tiện. Và bộ sưu tập với những đồ dùng hàng ngày cho phụ nữ làm từ len jecxi đã làm nên thành công và sự tin dùng của mọi người.

Đỉnh cao của sự nghiệp và những bước đi táo bạo

Ngày 11/11/1918 hiệp ước hòa bình đã được ký kết, chiến tranh kết thúc, thời gian huy hoàng với Chanel đã đến.

Cô chuyển cửa hàng thời trang tại Paris tới một căn phòng rộng rãi, sang trọng hơn tại ngôi nhà số 31, đường Cambon. Những người giàu có, nổi tiếng, thậm chí là những người trong hoàng cung đặc biệt muốn mang phong cách thời trang sang trọng của Chanel.

Năm 1923, cô đã thực hiện một bước đi táo bạo là bắt tay vào sản xuất nước hoa, kiêm thiết kế quần âu cho nữ giới.

Các bộ sưu tập nối tiếp nhau ra đời vào những năm 20 và đầu những năm 30 thế kỷ XX. Chanel đã phủ nhận tính truyền thống và thay đổi hình dung về thời trang. Cô đã trở thành người đứng đầu một ngành công nghiệp mà trước đó người ta cho rằng chỉ dành riêng cho nam giới.

Mặc dù, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, sau bao khó khăn, cửa hiệu nước hoa của cô vẫn cung cấp nước hoa cho những người phụ nữ của các sĩ quan Đức.

Những bước thăng trầm và sự trỗi dậy của đế chế Coco Chanel

Sự nghiệp của Chanel cũng có những giai đoạn đầy khó khăn khi bà phải tạm lánh tới Thụy Sĩ trước sự ghẻ lạnh của nước Pháp do có dính líu tới chiến dịch “Modelhut” của quân phát xít trong thời gian chiến tranh.

Mặc dù xa Paris, nhưng bà vẫn luôn theo sát những thay đổi trong thời trang Pháp sau chiến tranh. Bộ sưu tập của Christian Dior lại bó buộc người phụ nữ trong những chiếc váy xếp nếp dài với hàng mét vải dài vô tận.

Chanel tin chắc rằn không lâu sau phụ nữ sẽ mơ ước bứt mình khỏi những chiếc thắt lưng, những chiếc áo nịt cứng và những chiếc váy xếp nếp để trở lại với những trang phục tiện dụng. Bà biết rằng phong cách của bà sẽ phải trở lại. Và năm 1954, bà lại bắt đầu chuẩn bị cho bộ sưu tập quan trọng nhất trong cuộc đời mình.

Ở độ tuổi 73, Chanel trở lại thế giới thời trang Paris. Tại đây bà trình diễn bộ sưu tập đầu tiên sau thời chiến. Đối với Chanel, buổi trình diễn này có ý nghĩa rất lớn lao, bà trông đợi vào điều này rất nhiều. Hoặc là chiến thắng trở về hoặc là một sự bẽ bàng.

Báo chí Pháp vẫn nhắc tới bà vì tội hợp tác với kẻ thù Đức. Những tờ báo Anh gọi bộ sưu tập là một sự thất bại, phong cách cũ, không có gì mới. Nhưng cuối cùng bộ sưu tập vẫn được công nhận, và lần này là ở bên kia đại dương.

Người Mỹ rất hứng khởi. Hình ảnh giản dị không thay đổi và sự thanh lịch cổ điển của Chanel đã chinh phục họ. Những bộ trang phục vừa tiện dụng vừa sang trọng đã trở thành cực kỳ phổ biến với những công nhân viên chức Mỹ. Và Chanel sẵn sàng để giúp họ ăn vận phong cách, lịch lãm.

Jackie Kennedy trong một thiết kế của Chanel, 1962.

Châu Âu lại "đổ rạp" dưới chân bà, nhà mode Chanel trở nên thành công hơn bao giờ hết..

Cuối năm 1960, Coco Chanel trở thành một đế chế thời trang quốc tế với nguồn vốn khổng lồ mà bà chính là nữ chủ nhân. Lần thứ hai trong vòng một thế kỷ, Coco Chanel đã làm nên sự nghiệp, giờ đây bà còn giàu có và hùng mạnh hơn bất cứ khi nào.

DiaOcOnline.vn - Theo Đời sống xã hội