Xây dựng công trình sai nội dung giấy phép đã cấp, nếu trước đây mức phạt rất thấp, chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, thì nay tăng lên từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Trong khi đó, những hành vi vi phạm mới chưa rõ hoặc chưa có chế tài như bán nhà trên giấy, môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề, không công khai thông tin dự án bất động sản... cũng đã được quy định rõ với mức phạt rất nặng.
Bán nhà trên giấy: Đã có chế tài xử lý!
Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, liên quan đến các lĩnh vực từ trước đến nay chưa có hoặc chưa rõ chế tài xử phạt như hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà, quy định mới đã chỉ rõ, nếu chủ đầu tư huy động cho dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới khi chưa đủ điều kiện cho phép hay còn gọi là bán nhà trên giấy, mức phạt hành chính sẽ từ 60-70 triệu đồng. Ngược lại, các chủ đầu tư "âm thầm" triển khai dự án, không công khai đầy đủ với người dân theo quy định, mức phạt hành chính 10-15 triệu đồng. Hoạt động môi giới mà người dân quen gọi là "cò" nhà đất cũng có chế tài đầy đủ. Với cá nhân hành nghề môi giới độc lập, nhưng không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Tương tự, các tổ chức nếu vi phạm nguyên tắc hoạt động môi giới cũng bị phạt 60-70 triệu đồng. Với tổ chức, cá nhân có hành vi bán, cho thuê mua bất động sản (thuộc diện phải qua sàn giao dịch), không thông qua sàn giao dịch sẽ phạt tiền từ 50-60 triệu đồng. Hành vi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản tại sàn giao dịch không đúng trình tự, thủ tục quy định cũng có mức phạt tương tự. Trường hợp tái phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 1-3 năm hoặc không thời hạn.
Theo ông Yên, từ trước tới nay, dù chưa có thống kê đầy đủ bao nhiêu trường hợp bán nhà trên giấy, song trên thực tế Thanh tra Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều kiến nghị của người dân, chủ yếu là việc chủ đầu tư huy động vốn khi chưa khởi công xây dựng, công trình không được bàn giao đúng thời hạn cam kết. Thậm chí, có trường hợp chủ đầu tư bắt người mua nhà phải nộp thêm tiền ngoài thỏa thuận ban đầu, gây bức xúc trong dư luận.
Làm nhà sai phép, phạt tới 30 triệu đồng
Đối với những vi phạm như xây nhà không phép, sai phép... mức phạt hành chính đều tăng gấp nhiều lần. Chẳng hạn, với hành vi xây dựng công trình sai nội dung giấy phép đã cấp, nếu trước đây, mức phạt rất thấp, chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, nay tăng lên từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tùy theo vị trí, quy mô, loại công trình. Đặc biệt, với công trình xây dựng không có giấy phép, sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 40 triệu đồng. Bổ sung thêm các hành vi vi phạm phổ biến, gây ra nhiều khiếu kiện, tranh chấp trong thời gian gần đây, quy định mới nêu rõ, xây dựng công trình gây lún, nứt hoặc có nguy cơ làm sụp đổ công trình xây dựng lân cận sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng; xây dựng sai thiết kế bị phạt tới 40 triệu đồng; phạt tới 2 triệu đồng nếu khởi công mà không thông báo trước 7 ngày với UBND cấp chính quyền sở tại (xã, phường...).
Mức phạt hành chính (cho nhiều hành vi vi phạm nếu có) có thể lên tới 500 triệu đồng, thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đây cũng là mức phạt hành chính cao nhất có thể theo các quy định tại Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Giải thích về các mức phạt tăng cao, ông Phạm Gia Yên cho biết, mức xử phạt trước đây quá thấp, không có tác dụng răn đe chủ đầu tư. Ở các đô thị, nhiều người biết rõ là vi phạm, nhưng vẫn xây, thậm chí sẵn sàng nộp phạt để có bằng chứng về thời điểm xây dựng. Vì vậy, mức phạt cao sẽ có tác dụng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Đối với các vi phạm về quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, tổ chức, cá nhân làm sai lệch đồng hồ đo nước sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng; tự ý đấu nối, làm hỏng đường ống cấp nước bị phạt tới 10 triệu đồng... Ngược lại, đơn vị cung cấp nước sạch dùng cho sinh hoạt không bảo đảm chất lượng cũng bị phạt 20-30 triệu đồng. Đặc biệt, theo quy định mới, sẽ xử phạt 20-30 triệu đồng với các hành vi sử dụng hè, đường để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hóa; chiếm dụng hè phố, lòng đường để rửa ô tô hoặc trông giữ xe máy, xe đạp, ô tô không có giấy phép; đặt, treo biển quảng cáo không đúng quy định...
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới