Top

Xu hướng sống “ngoài rìa” thành phố

Cập nhật 10/07/2010 08:10

Giá nhà đất cao chót vót ở khu vực nội đô đã đẩy người mua nhà ngày càng xa nội đô. Phương án mua đất, nhà cách trung tâm 20-30 km, thậm chí 40 km đã được nhiều người dân đô thị cân nhắc. Giao thông, hạ tầng phát triển sẽ là một hậu thuẫn tốt xu hướng này.

Mỗi ngày vượt 40 km đi làm


Khi hoàn thành, cầu Nhật Tân sẽ rút ngắn đáng kể khoảng cách từ Đông Anh đến trung tâm Hà Nội.

Anh Thành, 29 tuổi, nhà ở huyện Thường Tín, hiện là nhân viên Trạm soát vé cầu Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) hàng ngày đi làm với quãng đường gần 40 km từ nhà đến trạm. Anh Thành cho biết: "Tôi đi hết khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Lúc đầu cũng khá ngại, nhưng dần cũng quen. Sáng dậy khoảng 6h, trừ những hôm phải làm ca, không thì tối về đến nhà cũng tầm đó". Trước đây, anh Thành ở nhờ nhà bà cô ở Ngọc Lâm, Long Biên (Hà Nội) để đi làm cho tiện. Nhưng từ khi cầu Thanh Trì hoàn thành, anh đã chuyển hẳn về nhà ở và đi làm.

Trường hợp của anh Thành có thể là một gợi ý tốt cho những gia đình trẻ đang đau đầu về vấn đề nhà ở tại các đô thị lớn. Hiện nay tại Hà Nội, một mảnh đất thổ cư, giấy tờ đầy đủ trong ngõ sâu ở quận Long Biên cũng có giá đến 30-40 triệu đồng/m². Còn đất tại địa bàn các phường, quận trung tâm thì mặt bằng giá là 60-70 triệu đồng/m². Nhà chung cư ở khu đô thị Mỹ Đình đang ở mức 27-28 triệu đồng/m². Một căn hộ tái định cư ở Nam Trung Yên giờ cũng được rao bán vài ba tỷ đồng. Không có tiền tỷ trong tay giờ không người nào dám mơ có nhà nội đô.

Đã có không ít người tính đến phương án mua đất vùng ven khi tìm đến những mảnh đất cách khá xa trung tâm, thậm chí thuộc địa bàn những tỉnh giáp ranh các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đất tại khu vực các xã Vĩnh Ngọc, Uy Nỗ (huyện Đông Anh) giờ đã tăng khá cao so với 1-2 năm trước đây, nhưng vẫn còn ở mức có thể mua được với nhiều người. Một mảnh đất ở Vĩnh Ngọc hiện giờ có giá trung bình khoảng 17-20 triệu đồng/m². Nếu bỏ qua tâm lý "ngại qua cầu" thì khoảng cách thực tế từ đây đến trung tâm Hà Nội khi cầu Nhật Tân khánh thành chỉ 10-15 km.

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay đất đai tại một số tỉnh lân cận thành phố như Đồng Nai, Long An... cũng được nhiều người ở TP Hồ Chí Minh tìm đến mua. Không kể những người "có tiền" chuyên mua đất để đầu cơ thì những gia đình trẻ, tích luỹ được ít vốn khoảng 200-300 triệu đồng cũng tìm đến đây mua đất làm "của để dành".

Cách tốt để… giãn dân

"Sau này có gia đình thì tôi cũng sẽ vẫn hàng ngày đi về nhà ở Thường Tín chứ với thời giá bây giờ, khả năng để vợ chồng mua được nhà ở khu trung tâm là rất khó".- Anh Thành nhân viên trạm soát vé cầu Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội.
Tại Hà Nội, hiện nay địa chỉ đã được nhiều người tìm đến là huyện Đông Anh (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên). Thông tin cây cầu Nhật Tân sẽ khánh thành trong nay mai làm nhiều người đổ xô đến địa bàn huyện, nhất là khu vực gần vị trí cây cầu Nhật Tân tìm mua đất. Khu vực Hưng Yên, dọc tuyến quốc lộ 5 hiện có khá nhiều dự án khu đô thị lớn. Đây được coi như là một "lời hứa hẹn" cho một tương lai phát triển của khu vực này. Mặt khác, gần trung tâm và giao thông thuận lợi cũng là một lợi thế, nhất là trong tương lai khi 9 cây cầu bắc qua sông Hồng tại khu vực Hà Nội được hoàn thành.

Không ít người đã nhanh chân tìm đến khu vực này mua đất thổ cư, nếu không để ở thì cũng là một khoản đầu tư tốt cho tương lai. Anh Thắng đang có một cửa hàng cho thuê váy cưới và trang điểm cô dâu ở Ngô Gia Tự (Long Biên) cho biết, anh vừa mua được một mảnh đất 100 m2 ở Văn Giang với giá chỉ 250 triệu đồng. Anh Thắng khoe: "Tính ra mảnh đất này chỉ cách trung tâm hơn 25 km, đường trước nhà trải bê tông sạch sẽ rộng rãi, cách đường 5 khoảng 50m, đi lại rất thuận tiện".

Khi chọn mua nhà ở xa trung tâm người mua có thể được hưởng một môi trường sống trong lành hơn, gần gũi thiên nhiên hơn. Nhưng đổi lại, họ có thể phải chấp nhận một hạ tầng cơ sở thấp kém hơn, đặc biệt là đường xá giao thông và các dịch vụ vui chơi giải trí. Đây cũng có thể là gợi ý tốt cho những nhà quản lý, những nhà hoạch định chính sách và cả những doanh nghiệp trong việc giải quyết và đáp ứng nhu cầu nhà ở đô thị. Những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách đang đau đầu với bài toán làm thế nào để di dân khu nội đô ra ngoại thành. Một hệ thống đường sá tốt, cơ sở hạ tầng tốt sẽ là động lực kéo giãn người dân, xa dần nội đô.

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình