"Tôi phải làm nhà gấp trước mùa mưa", đó là điệp khúc quen thuộc của nhiều gia chủ (chủ yếu ở khu vực Nam bộ) khi đến các văn phòng tư vấn thiết kế và công ty xây dựng
Thế, chẳng lẽ sáu tháng mưa làm nhà là khó khăn? Nếu vậy sao lúc này cũng đúng lúc thời điểm xây dựng cao điểm? Vẫn có nhiều ưu điểm của mùa mưa nếu nhà chuyên môn biết khai thác phù hợp thì có thể biến thành lợi thế trong xây dựng.
Người ngao ngán
Nhiều công trình chỉ mới đào xuống nửa mét đã lênh láng nước, rất phức tạp khi gia cố nền và làm móng. Thợ thuyền lấm lem bùn lầy, vất vả nhiều lần so với khi trời khô ráo. Nhà thầu thì tốn công và không đảm bảo chất lượng, giám sát khó kiểm tra chính xác các hạng mục ngầm. Gia chủ do vậy cũng mong sao ít nhất phải đúc được tấm sàn thứ nhất trước khi vào mùa mưa lớn.
Tất cả cùng chạy đua theo thời tiết, tạo thành một thói quen đôi khi làm ảnh hưởng một cách dây chuyền đến các khâu thiết kế - xin phép - chọn thầu - nghiệm thu chất lượng… đều phải gấp rút và thiếu thời gian để đánh giá toàn diện, ảnh hưởng xấu đến giai đoạn xây dựng tiếp theo. Làm nhà mùa mưa còn gặp các sự cố về điện và nước, tai nạn lao động cũng gia tăng hơn, ví dụ như cây cối gãy đổ, đường sá trơn trượt, vật tư bị ẩm ướt, chập cháy do điện, sạt lở đất… nhiều hơn so với mùa nắng khô ráo.
Cũng do đa số công trình xây dựng nhà ở tư nhân đang thi công khá thủ công, trang thiết bị xây dựng và bảo hộ lao động thiếu thốn hoặc không đồng bộ, các kỹ thuật che chắn, tổ chức thi công còn thô sơ nên các công trường xây dựng trong mùa mưa trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh. Công trình ngầm như hầm phân, hố ga, hố móng thi công chưa xong, sau một đêm mưa đã trở thành… hồ chứa nước, hôm sau phải khắc phục rất vất vả.
Kẻ trông mưa
Anh Lê Quang Trân, giám sát kỹ thuật của công ty xây dựng Kiến Xanh cho biết: “Tôi không ngán trời mưa khi giám sát kỹ thuật xây dựng vì trời mưa tuy có hơi cực một chút nhưng bù lại, tôi có thể kiểm tra tốt hơn một số công đoạn của thợ xây dựng mà vào lúc trời nắng khó chính xác. Ví dụ như tô tường (trong và ngoài), chống thấm và bả mastic sơn nước, nếu làm ẩu thì sau một trận mưa sẽ thấy “dấu ấn của quỷ” ngay. Khi xây và tô tường luôn cần tưới nước ướt tường, nếu tại khu vực xây dựng nước thuỷ cục yếu hoặc lầu cao thì chính gạch ướt do mưa giúp dễ xây tô hơn”.
Những đơn vị xây dựng chuyên nghiệp đều có biện pháp che chắn, đảm bảo an toàn cho công trình và người lao động; thậm chí có công ty xây dựng điều chỉnh giờ giấc làm việc để bắt đầu sớm hơn (từ 5 - 6 giờ sáng) và đến 3 - 4 giờ chiều thì đã thu xếp dọn dẹp sạch sẽ công trường, bảo quản vật tư ở nơi cao ráo, cắt cúp hệ thống điện và cử người trông coi vật tư thiết bị, tránh để xảy ra sự cố. Mùa mưa cũng là lúc không khí mát mẻ hơn nên các công đoạn nóng và bụi cũng đỡ vất vả (ví dụ tô trát tường ngoài, lợp mái, nhất là bả mastic sơn nước sẽ đỡ bụi hơn mùa khô nhiều…).
Theo một số kiến trúc sư - giảng viên bộ môn kỹ thuật kiến trúc - trường đại học Kiến trúc TP.HCM, làm nhà trong mùa mưa chính là dịp để “thử nhà”, chứ làm xong trong mùa khô rồi đến khi mưa xuống thì thợ thầy đã rút đi cả, lúc mưa xuống phát hiện ra thấm dột muốn chỉnh sửa cũng khó khăn hơn nhiều. Xét về công việc đổ bê tông, trời mưa hay nắng đều phải che chắn, nhưng gặp lúc mưa vừa phải, độ ẩm trên bề mặt bê tông được đảm bảo, hơi nước không thoát nhanh giúp cho bê tông được bảo dưỡng tốt hơn.
Ngược lại, với trời nắng gắt luôn phải thường xuyên tưới nước để tránh thoát ẩm ở bề mặt bê tông. Việc chống thấm trong mùa mưa cũng dễ kiểm tra và thực hiện theo kiểu “cho thấm no để không còn thấm được nữa”. Ví dụ như ngâm nước xi măng sàn ban công và sàn vệ sinh cho đến lúc không còn vết thấm nào thì mới tiến hành hoàn thiện. Mùa mưa còn giúp phát hiện các thấm ngược hay thấm do nhà bên cạnh rò rỉ hệ thống đường ống để khắc phục kịp thời.
Trong công tác hoàn thiện như lợp mái hoặc sân vườn, mùa mưa cũng giúp xem xét toàn diện chất lượng như ngói có bị dột không (trước khi đóng trần) hoặc hệ thống tưới và thoát nước trong sân vườn hồ cảnh có thông suốt hay ứ đọng gì không.
Dù thời tiết mưa hay nắng, những công đoạn thiết yếu của một quá trình xây dựng ngôi nhà được giảm nhẹ hay khó khăn hơn là ở cách quản lý kỹ thuật và tổ chức công việc. Để có được những công trình đạt chuẩn chất lượng, chính các đơn vị xây dựng và những người liên quan (gia chủ - thiết kế - cung cấp vật liệu - giám sát kỹ thuật) đều phải được chuyên nghiệp hoá trong cách nghĩ, cách làm, tận dụng và khai thác các thiết bị kỹ thuật hiện đại, hiểu rõ tính năng vật liệu và phương thức xử lý tại công trường. Khi đó, chắc chắn những người xây dựng và gia chủ không phải lâm vào cảnh “trông trời trông đất trông mây” nữa.