Nhiều người dùng quyền khiếu nại của mình để làm khó hàng xóm. Chủ nhà lân cận phải biết giới hạn. Mình mặc một cái áo quá cũ, bạn lỡ tay làm rách mà bắt bồi thường cái áo mới thì coi sao được!
Theo Điều 15 Nghị định 180 năm 2007, những công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận phải ngừng thi công, chỉ được tiếp tục xây dựng khi các bên thỏa thuận được việc bồi thường. Thế nhưng trong thực tế, việc đình chỉ không đơn giản.
Đình chỉ sai nên bị kiện
Năm 2004, một người dân ở Gò Vấp khiếu nại việc thi công công trình nhà ở của ông V. gây lún, nứt nhà của họ. Sau khi hòa giải không thành, chủ tịch quận quyết định đình chỉ thi công. Ông V. khởi kiện quyết định này, cho rằng nhà bên cạnh hư hại không phải do công trình của ông mà do nhà đã quá cũ.
TAND quận Gò Vấp đã mời cơ quan chức năng thẩm định và kết luận đúng là việc thi công công trình của ông V. không gây thiệt hại cho nhà bên cạnh. UBND quận đã phải bồi thường cho ông V. tiền lương công nhân trong những ngày đình chỉ, vật liệu bị hư hao do ngừng thi công.
Đầu năm nay, bà D. ở phường 1, quận Gò Vấp khiếu nại việc thi công nhà bên cạnh làm nứt tường, thủng mái tôn và bong gạch nhà tắm của bà. UBND phường sau khi xem xét đã quyết định không đình chỉ xây dựng công trình này.
Bà D. khiếu nại, chủ tịch quận quyết định đình chỉ thi công bảy ngày để hai bên thương lượng. Chủ công trình đưa ra phương án bồi thường là sửa chữa toàn bộ phần hư hại nhưng bà D. không trả lời đồng ý hay phản đối. Hết bảy ngày, công trình trên đã thi công trở lại.
Chủ tịch quận Gò Vấp Trương Văn Non cho biết UBND phường không đình chỉ thi công công trình trên ngay vì xét thấy việc thi công không gây nguy hiểm hay làm gia tăng thiệt hại cho gia đình bà D. và những căn nhà lân cận khác. Chủ đầu tư cũng đã rất có trách nhiệm trong việc che chắn, bảo đảm an toàn cho các nhà lân cận.
Tuy nhiên, Điều 15 Nghị định 180 lại quy định khi công trình xây dựng gây lún, sụt thì phải ngưng thi công đến khi hai bên thỏa thuận xong. Vậy đình chỉ bảy ngày có trái quy định này không?
Ông Non giải thích: “Xét thấy những hư hại của nhà bà D. không nhiều, chủ công trình đang xây cũng có thiện chí sửa chữa. Tôi nghĩ thời gian bảy ngày là đủ để các bên giải quyết. Bà D. lại không đến buổi hẹn giải quyết tức là tự từ chối quyền khiếu nại của mình. Không lẽ bắt bên kia chịu thiệt nữa hay sao?”.
Nhiều chủ nhà làm khó hàng xóm
Ông Phạm Thành Hải - Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Gò Vấp nói: “Ở TP, nhà xây dựng sát nhau, nền đất yếu, nhiều nhà cấp ba, cấp bốn không làm móng kỹ trước khi xây nên hễ có tác động lực là có thể bị ảnh hưởng. Vì thế, chủ nhà lân cận phải biết giới hạn. Mình mặc một cái áo quá cũ, bạn lỡ tay làm rách mà bắt bồi thường cái áo mới thì coi sao được!”.
Ông Hải đưa một ví dụ, công trình xây dựng chỉ làm hỏng bức tường nhà cấp bốn, xây lại giá chừng 20 triệu đồng. Chủ nhà đòi phải bồi thường 2,5 triệu đồng/m2 cho toàn bộ căn nhà rộng 150 m2.
Theo ông Lê Xuân Lâm, Chánh Thanh tra xây dựng quận 3, trường hợp bị hàng xóm làm khó như trên không hiếm. Nhiều chủ nhà không muốn rắc rối nên đã nhân nhượng bồi thường cao hơn nhiều lần thiệt hại thực tế. Tuy nhiên, người bị thiệt hại không có thiện chí nên rất khó hòa giải.
Coi chừng bị kiện ngược
Theo ông Nguyễn Tuấn, Chánh Thanh tra xây dựng quận Tân Bình, nếu việc lún, nứt là nghiêm trọng, có thể gây sập hay ảnh hưởng đến tính mạng của người trong nhà thì phải đình chỉ xây dựng ngay. Trường hợp xác định được việc thi công công trình chính là nguyên nhân làm lún, nứt nhà cũng bị đình chỉ ngay. Lực lượng thanh tra nhiều người có trình độ kỹ sư xây dựng và kiến thức thực tế nên xác định không khó.
Tại quận 3, hễ có khiếu nại là UBND phường yêu cầu chủ đầu tư ngưng xây dựng, sau đó mới xác định nguyên nhân. Nếu đúng là do công trình xây dựng làm lún, nứt thì chủ công trình phải thỏa thuận bồi thường. Nếu không thỏa thuận được thì đề nghị chủ nhà khởi kiện ra tòa.
Ông Lâm nhận định: “Ngưng thi công một ngày hay một buổi thì không gây thiệt hại gì nhiều cho công trình nên phần lớn chủ công trình đều hợp tác. Nếu không ngưng xây dựng theo đúng chức năng mà công trình gây thiệt hại nặng thêm thì rất nguy hiểm!”.
Còn nếu sự việc không đúng như chủ nhà khiếu nại thì UBND phường cho chủ đầu tư tiếp tục được xây dựng và chủ đầu tư có thể khởi kiện ngược lại chủ nhà, yêu cầu bồi thường những thiệt hại do ngừng xây dựng gây ra.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên phân tích: Khi ra tòa, người khởi kiện sẽ phải đóng án phí tương ứng với phần yêu cầu bồi thường. Nếu đòi hỏi cao mà được chấp nhận thấp đồng nghĩa với việc họ phải bỏ nhiều tiền để đóng án phí.
Còn như người khiếu nại chỉ để vòi vĩnh hoặc làm khó chủ công trình thì họ cũng sẽ suy nghĩ lại khi đối diện với nghĩa vụ án phí. Hoặc khi phải cung cấp chứng cứ về nguyên nhân gây thiệt hại, người khởi kiện cũng phải ứng tiền để thuê cơ quan thẩm định giá trị thiệt hại. “Đụng đến túi tiền, người ta sẽ cân nhắc hơn!”.
Đình chỉ bao lâu?
Quận Gò Vấp có sáng kiến đình chỉ bảy ngày tạo điều kiện cho người khiếu nại có thời gian làm thủ tục khởi kiện. Trong thời gian đó, tòa án thụ lý vụ án và ra quyết định đình chỉ xây dựng để giám định. Còn sau thời hạn trên, chủ đầu tư đương nhiên được tiếp tục xây dựng. Cũng với mục đích trên nhưng quận Tân Bình thì cho thời hạn một tháng hoặc vài tuần tùy theo mức độ lún, nứt của nhà bên cạnh.
Tuy nhiên, việc đình chỉ thời gian bao lâu hay công trình nào phải ngưng xây dựng, công trình nào không khi có khiếu nại về lún, nứt thì Nghị định 180 không nói rõ. Ông Phạm Gia Yên hứa sẽ nghe các địa phương về vấn đề này và đề xuất hướng xử lý phù hợp.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP