"Các khu kinh tế cần xem xét và điều chỉnh lại quy hoạch, chấp nhận tốc độ tăng trưởng không cao để bảo vệ môi trường lâu dài, nếu không, tăng trưởng cũng không bù lại được cho cái giá phải trả cho môi trường. Chúng tôi đã lưu ý các tỉnh về điều này, đặc biệt là vịnh Vân Phong ở Khánh Hòa", Tổng cục phó Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn trao đổi sau chuyến giám sát các khu kinh tế miền Trung.
Ông Sơn cho hay: Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, việc thành lập các khu kinh tế không thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Đây không phải là một khiếm khuyết của luật mà vì lý do rất đơn giản là các khu kinh tế hình thành sau luật.
Ông Lê Kế Sơn (ngoài cùng bên phải) trong chuyến khảo sát thăm kho ngoại quan tại khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Lê Nhung
|
Khi lập đề án xây dựng các khu kinh tế, tôi tin rằng chính quyền địa phương và các cơ quan tham mưu cũng đã chú ý những vấn đề liên quan đến môi trường chiến lược. Tuy nhiên, nếu có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thì riêng việc lập báo cáo này phải được tiến hành song song với xây dựng quy hoạch để giúp quy hoạch hoàn thiện hơn, lường trước mọi tác động môi trường và hạn chế những tác động không đáng có.
Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận sự cố gắng của các ban quản lý khu kinh tế trong bảo vệ môi trường. Họ cũng đã làm được một số việc cần thiết như thành lập phòng Tài nguyên - Môi trường, có cán bộ chuyên trách, tổ chức thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường, phối hợp thanh tra... Nhưng thành thực mà nói, những việc đó chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ của yêu cầu. Có lẽ không có ban quản lý khu kinh tế nào có thể trả lời được đầy đủ, dù tương đối, rằng hàng ngày có bao nhiêu lượng nước thải công nghiệp được xả thẳng ra môi trường mà không được xử lý, bao nhiêu rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và cả rác thải nguy hại được thu gom, đa dạng sinh học trong khu kinh tế đang suy giảm như thế nào, tác động cộng hưởng của các dự án tới môi trường ra sao.
Chấp nhận tăng trưởng không cao
* Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, theo ông là do đâu? Đâu là nguyên nhân chính?
- Các khu kinh tế thường quá lớn, quá rộng, lại có những dự án phức tạp, nhạy cảm đối với môi trường như các nhà máy lọc dầu, kho chứa dầu, đóng tàu, chế biến thủy sản... trong khi bộ phận quản lý môi trường vừa thiếu, vừa yếu. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường lại ít. Đấy là một mâu thuẫn có tính phổ biến số một.
Câu chuyện hạt nix ở công ty Huyndai - Vinashin vẫn tiếp tục là điểm nóng môi trường. Ảnh: Lê Nhung
|
Tôi cũng muốn chia sẻ sự lo lắng của những người quản lý khi mà tỷ lệ đầu tư vào một số nơi còn quá chậm.
Tại khu kinh tế Nhơn Hội, Nam Phú Yên và Vân Phong, tỷ lệ lấp đầy chỉ mới đạt từ 3 đến 5% mặc dù các khu này đều đã thành lập từ 5, 6 năm nay. Tăng tỷ lệ này là mục tiêu số một của các ban quản lý và chính quyền địa phương. Họ đang đứng trước mâu thuẫn có tính phổ biến thứ hai là khuyến khích, rải thảm đỏ đầu tư và gìn giữ, bảo vệ môi trường. Như thế là quá thấp hay quá chậm. Với tình hình suy thoái hiện nay, tốc độ đầu tư sẽ tiếp tục chậm, đồng nghĩa với lãng phí tài nguyên đất.
Bình Định đã đưa ra yêu cầu phải có đầu tư ít nhất 2 triệu USD trên 1 ha. Đây là điều kiện rất khó cho các nhà đầu tư. Mặt khác, cũng phải xem xét khi nhà đầu tư có công nghệ cao, chúng ta có đáp ứng được yêu cầu nhân lực trình độ cao của họ không.
Theo tôi, các khu kinh tế cần xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch và chấp nhận tốc độ tăng trưởng không cao để bảo vệ môi trường lâu dài, nếu không, tăng trưởng cũng không bù lại được cho cái giá phải trả cho môi trường. Chúng tôi đã lưu ý các tỉnh về điều này, đặc biệt là vịnh Vân Phong ở Khánh Hòa. Hệ thống văn bản pháp lý về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế còn thiếu và chồng chéo. Đây lại cũng là một loại hình kinh tế mới nên chúng ta chưa có đủ những kinh nghiệm cần thiết trong tổ chức và quản lý. Một số vấn đề cơ bản liên quan đến hoạt động khu kinh tế chưa được luật hóa.
Đừng tách kinh tế và môi trường
* Ban quản lý khu kinh tế được Chính phủ thành lập, như ông quan sát, có xảy ra mâu thuẫn hay chồng chéo nào trong việc phối hợp và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa ban quản lý với sở, ngành địa phương?
- Ban quản lý khu kinh tế có chức năng quản lý nhà nước tổng hợp. Ủy ban nhân dân tỉnh là cấp trên của ban quản lý. Hai vấn đề lớn đặt ra.
Thứ nhất, với tổ chức, chức năng, quyền hạn đã được quy định và kể cả năng lực thực sự, ban quản lý có đủ sức quán xuyến những nhiệm vụ cơ bản trong một không gian rộng lớn và phức tạp như thế không? Thứ hai, quan hệ về quản lý nhà nước với các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền huyện, thị xã, phường, xã như thế nào?
Một ví dụ tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất phức tạp, đó là ủy ban nhân dân huyện, thị xã có thể giao và cũng có thể không phải giao nhiệm vụ cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong địa bàn cho khu kinh tế quản lý.
Như vậy, nếu địa phương nhất quyết không giao thì ban quản lý chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong "lãnh thổ" của mình như thế nào?
Chúng ta nên xem lại mô hình quản lý môi trường như thế nào cho hợp lý. Trong khi chưa luật hóa được và chưa có một mô hình quản lý môi trường tại đây thì chính quyền tỉnh vẫn giữ vai trò quyết định trong chỉ đạo, điều phối.
* Chủ trương trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng có dẫn đến lơ là vấn đề bảo vệ, gìn giữ môi trường không? Làm thế nào để vừa phát triển các khu kinh tế, vừa không để lại những hệ lụy về môi trường?
- Có lẽ chúng ta phải quay lại với vấn đề quan điểm và nhận thức. Nhận thức đơn giản nhất là phát triển kinh tế phải đi đôi và gắn kết với bảo vệ môi trường.
Nhưng nhận thức đúng nhất thì phải khác. Đó là không có phát triển kinh tế bền vững hay thực sự nếu không có bảo vệ môi trường đúng nghĩa. Xin đừng tách nó ra.
Khi đề xuất xây khu kinh tế, cần đánh giá chính xác môi trường chiến lược với không gian và thời gian rộng hơn. Ngoài đặc điểm về tài nguyên, địa lý, phải tính tới các đặc điểm văn hóa, xã hội, với nguồn nhân lực và di dân, biến đổi khí hậu, trong đó có cả yếu tố nước biển dâng, động đất, sóng thần, nhất là hầu hết các khu này đều nằm ở ven biển.
* Chuyến khảo sát vừa qua nằm trong chương trình giám sát tối cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả sẽ báo cáo với Quốc hội. Cá nhân ông có kiến nghị, đề xuất cụ thể nào không?
- Tôi vừa đề nghị, vừa mong muốn, là các đoàn giám sát sẽ còn có nhiều thông tin hơn, nhận xét xác đáng hơn, để từ đó báo cáo một bức tranh đầy đủ, cả mảng sáng và mảng tối về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề và có thể rộng hơn, để Quốc hội có những quyết định có tính bước ngoặt trong công tác bảo vệ môi trường của nước ta.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet