Phát biểu tại Hội nghị thường niên 2014 Diễn đàn đô thị Việt Nam (VUF), do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 27 - 6, bà Victoria KwaKwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, sẽ dành cho Việt Nam 2 tỷ USD để 30 thành phố phát triển đô thị, hỗ trợ về thể chế, năng lực quản lý đô thị cũng như bổ sung đầu tư hạ tầng.
Diễn đàn Đô thị Việt Nam hiện có hơn 100 cơ quan, tổ chức thành viên, thuộc 7 nhóm, gồm các Bộ, ngành; các tổ chức quốc tế tài trợ đa phương; các tổ chức quốc tế tài trợ song phương; các đô thị; hiệp hội nghề nghiệp và học viện đào tạo; các tổ chức phi chính phủ; các doanh nghiệp. Hội nghị lần này được tổ chức với mục tiêu phát huy vai trò thành viên diễn đàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của diễn đàn về đối thoại chính sách phát triển đô thị.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hoá nhanh. Ảnh minh họa
|
Hội nghị tập trung thảo luận về những nội dung và mục tiêu chính như: Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Diễn đàn về đối thoại chính sách phát triển đô thị; thống nhất cấu trúc tổ chức đã được kiện toàn của Diễn đàn; đẩy mạnh vai trò của các đối tác và các bên liên quan trong đối thoại chính sách phát triển đô thị; lấy ý kiến thành viên về hoạt động ưu tiên của Diễn đàn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch diễn đàn khẳng định, hệ thống các đô thị Việt Nam đã và đang từng bước lớn mạnh, là động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. VUF đã thực hiện vai trò cầu nối giữa Chính phủ với các nhà tài trợ, nhà đầu tư, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Hoạt động của diễn đàn đã đóng góp một phần tích cực trong việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về phát triển đô thị.
Đồng quan điểm trên, bà Victoria KwaKwa cho rằng, Việt Nam là nước đang phát triển nên quá trình đô thị hóa cần có hiệu quả, hiệu suất, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế. Cả nước có hơn 770 đô thị với dân số chiếm hơn 33% tổng dân số cả nước. Các đô thị đã và đang đóng góp một tỷ lệ lớn trong tổng sản phẩm quốc nội. Theo đó, việc phát triển đô thị có thách thức như phối hợp phát triển liên vùng; công tác đầu tư xây dựng đô thị phải có lộ trình và cần chủ động để định hướng các nguồn lực đầu tư cho xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Công an TPHCM